Bị áp thêm thuế, Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin nói rằng Bộ Thương mại Trung Quốc cũng sẽ đánh thuế bổ sung đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ với các giao dịch thực hiện sau ngày 3-8. Động thái này nhằm tăng rào cản thương mại nhắm vào các bang chuyên sản xuất nông nghiệp ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Việc Trung Quốc đánh thuế đậu nành Mỹ sẽ dẫn dến việc cắt giảm xuất khẩu mặt hàng chủ lực này của Mỹ và buộc chính quyền Tổng thống Trump bồi thường cho nông dân trong hai năm với chi phí lên tới 28 tỉ USD, theo Reuters.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này hy vọng Mỹ sẽ giữ lời hứa và tạo ra "các điều kiện cần thiết" cho hợp tác song phương.

Trước đó, đài truyền hình CCTV của dẫn lời một quan chức của Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia (NDRC) nói rằng những cáo buộc của ông Trump rằng Trung Quốc đã không mua số lượng lớn các mặt hàng nông sản từ Mỹ như đã hứa là "không có căn cứ".

“Trung Quốc đang tôn trọng các thỏa thuận đã ký trước đó để nhập khẩu đậu nành của Mỹ” - Tổng thư ký NDRC Cong Liang nói trên CCTV.

Báo cáo cho biết 2,27 triệu tấn đậu nành Mỹ đã được vận chuyển đến Trung Quốc vào tháng 7, kể từ sau khi nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Nhật Bản hồi tháng 6.

Theo báo cáo của Trung Quốc, nước này đã mua 130.000 tấn đậu nành, 120.000 tấn bo bo (cao lương), 60.000 tấn lúa mì, cùng hàng chục tấn thịt heo trong thời gian từ ngày 19-7 đến 2-8.

Theo ông Cong, hai triệu tấn đậu nành Mỹ xuất cho Trung Quốc sẽ được chuyển đến Trung Quốc.

Thuế quan do Trung Quốc áp đặt đối với đậu nành Mỹ đã cắt giảm xuất khẩu loại cây trồng có giá trị nhất của nước này. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại cho rằng chưa tới 600.000 tấn đậu nành đã được kiểm tra để xuất khẩu sang Trung Quốc, ít hơn so với tuần trước.

Giá đậu nành tại Chicago đã giảm hơn 3% so với tuần trước kể từ khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang và đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 12-6, theo Reuters.

Về phía nông dân Mỹ, họ có thể nộp đơn để xin hỗ trợ từ chính phủ trong tuần này nhưng với việc không ổn định của thị trường cũng làm cho kế hoạch dài hạn của họ trở nên khó khăn hơn.

"Chúng tôi rất biết ơn về các khoản viện trợ. Nó đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều nhưng chúng tôi muốn có thị trường mở vì nó tạo ra sự ổn định trong tài chính của chúng tôi" - anh Derek Sawyer, một nông dân có trang trại bắp, đậu nành, lúa mì và gia súc từ TP McPherson, bang Kansas, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm