Biển Đông: Đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc sắp chìm?

Theo chuyên gia quân sự David Axe thuộc tạp chí The National Interest, chính quyền Bắc Kinh kể từ năm 2013 đã phá hủy hàng loạt môi trường và cảnh quan tự nhiên của các quần thể san hô ở khu vực biển Đông để xây dựng trái phép bảy thực thể nhân tạo (gọi là đảo nhân tạo).

Các thực thể nhân tạo này đều được trang bị đầy đủ các công trình quân sự, sân bay, hải cảng và nhiều hệ thống vũ khí và radar. 

Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc tuyên bố đây là những "tàu sân bay không thể chìm" nhằm củng cố tham vọng chủ quyền của nước này trên biển Đông. Trong số đó, các thực thể Trung Quốc ngang ngược xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam khu vực đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập được Bắc Kinh đánh giá là mang tầm quan trọng chiến lược. 

Hình ảnh Trung Quốc cải tạo và bồi lấp trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: THE NEW YORK TIMES 

Tuy nhiên, một số nguồn tin nội bộ tiết lộ một số chi tiết nền của các thực thể này bắt đầu có dấu hiệu suy yếu và phần móng bắt đầu "mỏng ra như xốp" dưới tác động của thời tiết. "Một cơn bão mạnh là đủ để thổi bay các công trình này" - nguồn tin này khẳng định.

Dù vậy, thông tin trên không đủ để Bắc Kinh chùn bước trong tiến hành nâng cấp và cải tiến khả năng quân sự của các thực thể này. Hồi tháng 11, ảnh vệ tinh phát hiện Trung Quốc đã triển khai một khinh khí cầu do thám trên đá Vành Khăn. 

"Một khinh khí cầu trang bị radar sẽ mang lại khả năng do thám ít tốn kém nhưng vẫn hiệu quả các hoạt động trên đảo Vành Khăn, cũng như có thể phát hiện kịp thời các tên lửa và máy bay tầm thấp của đối phương" - chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định. 

Hiện Mỹ vẫn thường xuyên điều tàu chiến di chuyển qua khu vực xung quanh các công trình quân sự của Bắc Kinh nhằm thực thi quyền tự do hàng hải, cũng như củng cố hiện diện của nước này ở biển Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm