Biển Đông: Mỹ gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc

Ngày 1-6 (giờ địa phương), Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kelly Craft đã chính thức gửi công hàm lên LHQ để phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ là nhằm bác bỏ nội dung công hàm số CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc gửi lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) có nội dung phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft tại buổi tuyên thệ nhậm chức ở Nhà Trắng vào tháng 9-2017. Ảnh: REUTERS

Trong công hàm, Mỹ phản đối toàn bộ yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc nêu ra trong công hàm CML/14/2019 khi tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với quần đảo Đông Sa (do Đài Loan kiểm soát), bãi ngầm Macclesfield, bãi cạn Scarborough và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. 

Trong công hàm, Đại sứ Kelly Craft khẳng định Mỹ bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo bà Craft, toàn bộ luận điểm của Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên.

Hơn nữa, phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 đã phủ nhận toàn bộ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc nhưng đến nay nước này không hề có ý định thực thi. 

Đại sứ Kelly Craft đồng thời cũng nêu rõ Mỹ lên án mạnh mẽ hành vi cố tình ngăn cản, hạn chế quyền tự do hàng hải chính đáng của các nước khi di chuyển trên Biển Đông.

Cuối cùng, Mỹ kêu gọi Trung Quốc hãy hành xử theo đúng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS, chấp hành phán quyết của Toà Trọng tài và ngừng mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông. 

Về phía Việt Nam, phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ngày 30-3 cũng đã gửi công hàm tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đáp lại công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc. 

Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nêu ra trong công hàm nói trên.

"Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”, Phái đoàn thường trực Việt Nam nêu rõ. 

Công hàm Việt Nam cũng nhấn mạnh chỉ công nhận UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm