Biển Đông: Trung Quốc bị chỉ trích hành sự bí mật, bất hợp tác

"Tôi không có ý nói rằng là họ đang làm chuyện mờ ám nhưng việc gì phải bí mật như thế? Tại sao (tàu Trung Quốc) lại tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và từ chối hợp tác với lực lượng tuần duyên Philippines? Những diễn biến này làm những người phụ trách lĩnh vực quốc phòng như chúng tôi rất lo ngại" - Bộ trưởng Lorenzana chia sẻ với tờ The Inquirer.

Cảnh sát biển Philippines tuần tra trên biển Đông. Ảnh: MANILA BULLETIN

Ông Lorenzana giải thích: Nếu muốn thực hiện thăm dò khảo sát khoa học trên vùng biển Philippines, Bắc Kinh cần phải xin phép trước với Manila. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, một tàu chở các nhà khoa học Philippines sẽ hộ tống tàu Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ. Ông cho biết những nước như Mỹ và Pháp trước đây đều tuân thủ việc này, riêng chỉ có Trung Quốc là không. 

Trước đó cùng ngày, bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng cho biết ông đã đề nghị Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh giải trình. Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. sau đó thông báo trên trang Twitter cá nhân rằng ông sẽ gửi công hàm phản đối ngoại giao. 

"Nếu họ chỉ có ý định nghiên cứu cá hay đại dương thì đó không phải là vấn đề an ninh. Nhưng nếu tàu của họ đang làm những việc khác như do thám vị trí của chúng tôi thì đó lại là chuyện khác" - Bộ trưởng Lorenzana tuyên bố. Ông cho rằng về trường hợp này, Philippines có thể nhờ Mỹ hỗ trợ giám sát an ninh trên biển.

"Ở biển Đông, nếu tàu Trung Quốc ở xa quá thì radar của chúng tôi không thể phát hiện họ được. Tuy nhiên, những nước như Mỹ lại có các vệ tinh có thể giám sát hiệu quả" - ông Lorenzana nói. 

Hôm 6-8, PGS Ryan Martinson đến từ Học viện Hải chiến Mỹ đã đăng tải trên Twitter nhiều hình ảnh cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, cách bờ biển phía đông nước này khoảng 80 hải lý (hơn 148 km).

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc về vấn đề thực thi phán quyết biển Đông năm 2016. The Inquirer nhận định, mặc dù quan hệ giữa hai nước có phần nồng ấm hơn trong nhiệm kỳ của ông Duterte nhưng chuyến thăm lần này sẽ đẩy ông vào thế khó xử trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động quân sự trái phép trong vùng biển Philippines. 

Viện dẫn vi hiến, ông Duterte nói không với tên lửa Mỹ
Viện dẫn vi hiến, ông Duterte nói không với tên lửa Mỹ
(PLO)- Phát biểu ngày 6-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết mặc dù vẫn tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines, ông sẽ không cho phép bất kỳ vũ khí nước ngoài nào lắp đặt trên Philippines, do điều đó sẽ vi phạm Hiến pháp nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm