Bloomberg: Ấn Độ điều thêm 40% quân, xây thế trận tấn công đối phó Trung Quốc

Ấn Độ đã tiến hành một cuộc điều binh “lịch sử” khi bổ sung ít nhất 50.000 lính tới khu vực biên giới giáp với Trung Quốc nhằm hướng tới một thế trận “tấn công” trước cường quốc láng giềng, hãng tin Bloomberg cho hay.

Bốn nguồn tin khác nhau xác nhận với Bloomberg rằng trong vài tháng qua, Ấn Độ đã điều chuyển nhiều binh lính và phi đội máy bay chiến đầu tới ba khu vực khác nhau dọc biên giới Ấn-Trung.

Hai nguồn tin trong số này cho biết trong vài tháng qua, Ấn Độ đang có gần 200.000 quân tập trung dọc khu vực biên giới này, tăng hơn 40% so với quân số năm ngoái. 

Một đoàn xe của quân đội Ấn Độ tại khu vực tranh chấp Ladakh hồi giữa tháng 6. Ảnh: GETTY

Khu vực Ladakh, nơi xảy ra vụ đụng độ giữa hai bênh hồi năm ngoái, là nơi được tăng cường lực lượng đông nhất, khoảng 20.000 quân. Để tăng cường quân gần Trung Quốc, Ấn Độ chấp nhận rút một phần lực lượng từ khu vực biên giới tranh chấp với Pakistan.

Tại bang cực đông Arunachal Pradesh - nơi xảy ra cuộc xung đột năm 1962, Ấn Độ đã triển khai các máy bay chiến đấu Rafale mua từ Pháp. Máy bay được trang bị tên lửa tầm xa và có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng mặt đất.

Hải quân Ấn Độ cũng tăng cường lực lượng và kéo dài thời gian tuần tra dọc theo các tuyến đường biển quan trọng, bao gồm các tuyến thương mại của Trung Quốc.

Cả quân đội và Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ chưa có bình luận về thông tin trên.

Ấn Độ muốn xây dựng thế trận ‘phòng thủ mang tính tấn công’

Một trong bốn nguồn tin trên lưu ý rằng nếu như trước đây, sự hiện diện của quân đội Ấn Độ dọc biên giời với Trung Quốc nhằm ngăn chặn các động thái của Bắc Kinh thì hiện nay - với sự bố trí lực lượng mới, New Delhi có thể có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm phương án tấn công qua giới tuyến hiện thời trong trường hợp cần thiết. Người này gọi đó là thế trận “phòng thủ mang tính tấn công”.

Một động thái khác có thể chứng minh sự thay đổi mang tính lịch sử này là việc Ấn Độ có vẻ đã điều nhiều hơn các trực thăng để chuyển quân cùng các khẩu pháo M777 - loại lựu pháo nhẹ nhất và thuộc nhóm nguy hiểm nhất thế giới - giữa các thung lũng dọc biên giới.

Ấn Độ gần đây đã phát hiện quân đội Trung Quốc chuyển thêm quân tới các đơn vị tuần tra khu vực biên giới tranh chấp dọc theo dãy Himalaya. Không rõ Bắc Kinh đang bố trí bao nhiêu quân dọc biên giới Trung-Ấn.

Hai nguồn tin từ Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều đường băng và nhà chứa máy bay ở khu tự trị Tây Tạng, dọc khu vực tranh chấp. Nhiều đơn vị pháo tầm xa, xe tăng, máy bay chiến đấu và các trung đoàn tên lửa cũng được Bắc Kinh điều thêm tới khu vực này.

Khi được hỏi về các việc bổ sung lực lượng tới biên giới Trung-Ấn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ “sẽ không bình luận về những thông tin không có căn cứ”. 

Binh sĩ Ấn Độ giáp sát một con đường trong khu vực tranh chấp Ladakh hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Về phía Ấn Độ, các binh sĩ chính quy đóng ở phía nam cao nguyên Thanh Tạng được trang bị đầy đủ súng máy đang phối hợp cùng các lực lượng bán quân sự được vũ trang hạng nhẹ xây dựng năng lực tấn công trong khu vực biên giới đông dân cư này.

Trung Quốc sẽ là ‘thách thức chiến lược lớn nhất’ của Ấn Độ

Bloomberg cho biết sau các cuộc đụng độ mùa hè năm ngoái, Ấn Độ đã mất quyền kiểm soát khoảng 300 km2 đất trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Bốn lính Trung Quốc và 20 lính Ấn Độ được cho là đã thiệt mạng do giao tranh.

Động thái chuyển quân “lịch sử” này cũng diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh hợp tác với nhóm QUAD (“Bộ tứ Kim cương” của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ) để đối phó với Trung Quốc.

Chuyên gia Sushant Singh thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) cho rằng giao tranh hồi năm ngoái đã khiến giới lãnh đạo ở New Delhi nhận thấy Trung Quốc - chứ không phải Pakistan - “là thách thức chiến lược lớn nhất trong tương lai”.

Bloomberg nhấn mạnh rằng điều đáng lo ngại hiện nay là “một tính toán sai lầm có thể dẫn đến một cuộc xung đột thậm chí còn chết chóc hơn” giữa hai quốc gia tỉ dân. Một số cuộc đàm phán quân sự-ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được một số tiến bộ, nhưng còn khiêm tốn.

Trung tướng D.S. Hooda, người từng chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của quân đội Ấn Độ, lo ngại rằng “có quá nhiều binh sĩ ở hai bên sẽ là rủi ro nếu các giao thức quản lý biên giới bị phá vỡ”.

“Cả hai bên có khả năng sẽ tuần tra khu vực biên giới tranh chấp một cách quyết liệt. Một sự cố nhỏ, cục bộ có thể trở thành chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát với những hậu quả không lường trước được” - ông Hooda nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa là bất chấp các động thái tăng cường năng lực quân sự gần đây, New Delhi vẫn chưa giành được ưu thế trước Bắc Kinh - bà Sana Hashmi, một chuyên gia người Ấn tại Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Chính trị Đài Loan, lưu ý.

“Sự bất cân xứng về kinh tế và quân sự sẽ vẫn còn nguyên giá trị. Và còn một chặng đường dài phía trước để Ấn Độ rút ngắn khoảng cách này” - bà Hashmi nói.

Chính quyền New Delhi còn đứng trước áp lực giảm chi tiêu quân sự vì đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước này, khiến quy mô nền kinh tế giảm mạnh nhất trong khoảng 40 năm qua. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm