Các quốc gia Hồi giáo cáo buộc ông Macron 'chống đạo Hồi'

Căng thẳng giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nước đạo Hồi đang trở nên gay gắt sau khi giáo viên lịch sử tên Samuel Paty bị một thanh niên nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan chặt đầu hôm 16-10 vì cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước nói rằng Samuel Paty "đã bị giết vì những người Hồi giáo muốn chiếm đoạt tương lai chúng ta", hãng tin Reuters cho biết.

Ông Macron còn gây tranh cãi khi tuyên bố rằng "Hồi giáo là một tôn giáo đang gặp khủng hoảng trên toàn thế giới".

Tổng thống Pháp cũng cho biết chính phủ sẽ trình bày dự luật vào tháng 12 để củng cố đạo luật năm 1905, chính thức tách nhà thờ và nhà nước ở Pháp. Ông tuyên bố giám sát chặt chẽ hơn việc giáo dục ở nhà trường và kiểm soát tốt hơn nguồn tài trợ của nước ngoài cho các nhà thờ Hồi giáo.

Động thái trên đã khiến người Hồi giáo ở nhiều quốc gia như Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ. Chính quyền những quốc gia này sau đó đã tiến hành các biện pháp đáp trả. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ các quốc gia Hồi giáo. Ảnh: REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tẩy chay hàng Pháp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 26-10 đã kêu gọi người dân nước này tẩy chay hàng hóa của Pháp, kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dừng kế hoạch “chống Hồi giáo” của Tổng thống Macron.

Ông Erdogan ngày thứ ba liên tiếp khẳng định Tổng thống Pháp cần kiểm tra sức khỏe tâm thần, đồng thời đề nghị người dân Thổ Nhĩ Kỳ tránh xa hàng hóa Pháp.

“Giống như việc họ kêu gọi đừng mua sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Pháp, tôi đề nghị tất cả công dân của mình từ lúc này đừng bao giờ hỗ trợ hoặc mua hàng hóa từ các thương hiệu Pháp” - Tổng thống Erdogan tuyên bố.

"Những nhà lãnh đạo châu Âu có đạo đức và tầm nhìn xa phải phá vỡ bức tường sợ hãi của mình. Họ phải chấm dứt việc siết chặt các chính sách đối với người Hồi giáo mà ông Macron đang dẫn đầu" - ông Erdogan nói trong bài phát biểu kỷ niệm ngày sinh của Nhà tiên tri Mohammed.

Pháp hiện là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 10 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy của Thổ Nhĩ Kỳ, theo thống kê của chính quyền Ankara. Trong số các sản phẩm xuất khẩu chính của Pháp, ô tô là một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi người dân tẩy chay hàng Pháp. Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Đại sứ quán Pháp tại Ankara đã cảnh báo công dân nước này đang sinh sống và du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ phải “hết sức cảnh giác” do bối cảnh “địa phương và quốc tế” phức tạp, kêu gọi họ tránh xa các cuộc tụ tập biểu tình ở những nơi công cộng.

Căng thẳng giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang trong những tháng gần đây vì nhiều vấn đề, trong đó có xung đột ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, khu vực nằm trong Azerbaijan nhưng do phe ly khai Armenia kiểm soát.

Bên cạnh đó, Pháp cũng ủng hộ Hy Lạp và Cyprus trong mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi ở phía Đông của Địa Trung Hải, Reuters đưa tin.

Pakistan đề nghị chính phủ rút dại sứ khỏi Pháp

Quốc hội Pakistan hôm 26-10 đã thông qua một nghị quyết thúc giục chính phủ nước này rút dại sứ của mình khỏi Paris, cáo buộc Tổng thống Macron đang "gây thù" đối với người Hồi giáo.

Đây là động thái mới nhất của các quốc gia Hồi giáo thể hiện sự giận dữ trước vụ việc giáo viên Pháp cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, một hành động mà người Hồi giáo cho là báng bổ.

Người dân Pakistan biểu tình việc sử dụng tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammad ở Karachi, ngày 4-9. Ảnh: REUTERS

Theo đó, Quốc hội Pakistan bày tỏ niềm "quan ngại trước những tuyên bố gây hoang mang và căm thù, đặc biệt của nhà lãnh đạo như Tổng thống Macron, biện minh cho hành động khiêu khích trái pháp luật và xúc phạm đối với hơn một tỉ người Hồi giáo".

Quốc hội Pakistan đồng thời đề nghị chính phủ kêu gọi các quốc gia Hồi giáo khác tẩy chay các sản phẩm làm từ Pháp.

Pakistan cũng cho triệu tập đại sứ Pháp, phản ánh rằng “Pakistan lên án mạnh mẽ việc chính quyền Pháp đánh đồng cộng đồng người Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố”, theo Reuters.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Pakistan Imran Khan lên tiếng chỉ trích Tổng thống Macron, cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đã xúc phạm đạo Hồi bằng cách khuyến khích người dân trình chiếu phim hoạt hình về Nhà tiên tri Muhammed.

Các thương nhân Pakistan hô khẩu hiệu khi họ cầm biểu ngữ có hình Thủ tướng Pháp Jean Castex với dấu chân trên mặt trong cuộc biểu tình ở Peshawar ngày 26-10. Ảnh: REUTERS

Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại TP Peshawar và Lahore ở Pakistan hôm 26-10. Những người tham gia đốt quốc kỳ Pháp và giơ cao các khẩu hiệu chống lại Tổng thống Macron và chính quyền của ông.

Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Pakistan Ajmal Baloch cho biết tổ chức của ông đang liên hệ với các thương nhân trên khắp đất nước để tẩy chay hàng hóa Pháp.

Ông Baloch tiết lộ thêm rằng Hiệp hội sẽ tổ chức một cuộc biểu tình và diễu hành về phía đại sứ quán Pháp vào ngày 30-10 tới.

Bộ phim hoạt hình về Nhà tiên tri Mohammed, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005, từ lâu đã trở thành một chủ đề nhạy cảm đối với cộng đồng người Hồi giáo, là nguyên nhân nổ ra các cuộc biểu tình ở Pakistan và những quốc gia khác.

Hình ảnh biếm họa về Mohammed là điều cấm kỵ đối với đạo Hồi. Tại Pakistan, những người bị coi là xúc phạm Hồi giáo hoặc các nhân vật Hồi giáo có thể phải đối mặt án tử hình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm