Căng thẳng leo thang, Iran bắt 3 người nước ngoài

Một trong số ba phụ nữ nói trên đã bị tạm giam vài tháng trước đó. Cô mang hai quốc tịch Anh - Úc và đang giảng dạy đại học tại Úc.

Hai người còn lại được cho là đang bị giam giữ tại nhà tù Evin ở thủ đô Tehran. Đây cũng là nơi giam giữ ông Nazanin Zaghari-Ratcliffe, một công dân Anh gốc Iran, với cáo buộc gián điệp và an ninh quốc gia hồi năm 2016. 

Tờ The Times đưa tin, trong một vụ việc trước đó, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng đã bắt giữ một blogger mang quốc tịch kép Anh–Úc cùng bạn trai người Úc khi họ đang cắm trại tại khu vực quân sự xung quanh khu vực Jajrood ở Tehran.

Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Anh vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về những vụ việc trên.

Các vụ bắt giữ xảy ra giữa lúc căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh Anh, Úc đang leo thang.

Vào tháng 8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ tham gia cùng Mỹ trong những sứ mệnh quân sự tại eo biển Hormuz. Ông nói thêm rằng những hành vi khó lường tại vùng Vịnh là một mối đe dọa đến quyền lợi quốc gia, do đó Úc sẽ không ngần ngại gửi lực lượng quân sự đến Trung Đông.

Nhà tù Evin, nơi đang giam giữ 2 trong 3 công dân Úc. Ảnh: THE SUN

Cũng theo báo The Times, giảng viên mang quốc tịch Anh-Úc nói trên đã bị kết án 10 năm tù, và hiện đang bị giam giữ tại khu biệt giam của nhà tù. Nguồn tin của tờ báo còn cho biết chính quyền Iran hiện đang giam giữ blogger du lịch nhằm mục đích thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân với Úc. 

Hôm 9-9, Bộ Ngoại giao Úc chính thức đưa ra thông báo khuyến cáo công dân nước này hạn chế du lịch giữa khu vực biên giới hai nước Iran và Afghanistan.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Úc cũng khuyến cáo du khách Úc đang ở Iran không nên đi vào những khu vực quân sự, hạt nhân và phải hết sức cẩn thận do những khu vực trên thường không được chỉ thị và đánh dấu rõ ràng. 

Theo Cơ quan Nhân quyền Iran (CHRI), tính từ tháng 7-2019, ít nhất 12 người nước ngoài hoặc công dân Iran ở nước ngoài đã bị giam giữ trong các nhà tù ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

Đa số nạn nhân mang quốc tịch Iran và quốc tịch của một nước khác. Tuy nhiên, Tehran không công nhận quốc kép, do đó những tù nhân này liên tục bị từ khước từ quyền được tiếp cận đại sứ quán và lãnh sự quán.

Cũng theo CHRI, hầu hết những người nước ngoài bị bắt giữ đều bị biệt giam, bị khước từ quyền tiếp cận đại sứ quán, các thủ tục pháp lý cơ bản cũng như quyền được tham khảo và yêu cầu giúp đỡ từ các tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc.

CHRI nói thêm rằng người nước ngoài thường xuyên bị khởi tố trong những phiên tòa bí mật, và bị kết án dựa trên những tội danh thiếu cơ sở, bằng chứng, chẳng hạn như vi phạm an ninh quốc gia hoặc gián điệp.

Những căng thẳng về chính trị và quân sự đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh với Iran, đặc biệt từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) vào tháng 5-2018.

Hiện Iran đang phải gánh chịu những áp lực kinh tế nặng nề do các biện pháp lệnh trừng phạt của Washington. Tehran đã đáp trả bằng việc tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân theo hướng đi ngược lại với những cam kết theo thỏa thuận JCPOA.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm