Chiến sự biên giới sát Nga, quốc tế quan ngại

Ngày 27-9, xung đột nghiêm trọng bùng phát dữ dội tại một khu vực nhạy cảm gần biên giới Armenia-Azerbaijan khiến hàng chục quân nhân và nhiều dân thường thiệt mạng, hãng tin Sputnik cho hay.

Trong ngày 27-9, một loạt lãnh đạo các cường quốc có ảnh hưởng tại khu vực và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã điện đàm với các lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan.

Chiến sự leo thang ở Nagorno-Karabakh, con số thương vong chưa rõ ràng

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết 16 công dân nước này đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương do các trận không kích và pháo kích của Azerbaijan. Còn chính quyền Nagorno-Karabakh - một vùng lãnh thổ đòi ly khai khỏi Azerbaijan được Armenia hậu thuẫn - cho biết "hàng chục" binh sĩ của vùng lãnh thổ này cũng thiệt mạng hoặc bị thương trong các vụ đụng độ hôm 27-9. 

Chiến sự ngày 27-9 tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh REUTERS chụp màn hình từ video của Bộ Quốc phòng Armenia

Armenia cáo buộc Azerbaijan đang gây hấn trong khu vực khi tấn công trước và không kích cả các khu vực phi quân sự ở Nagorno-Karabakh. Azerbaijan xác nhận đã tiến hành tấn công Nagorno-Karabakh nhưng gọi đó là biện pháp đáp trả các buộc pháo kích của Armenia.

Azerbaijan cũng cho biết ít nhất năm công dân nước này - cùng là thành viên trong một gia đình - thiệt mạng do các cuộc tấn công của Armenia, theo trang tin Channel News Asia.

Azerbaijan tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát bảy ngôi làng từ phía Nagorno-Karabakh.

Ban đầu, Nagorno-Karabakh phủ nhận thông tin trên. Tuy nhiên, sau đó, lực lượng quản lý vùng lãnh thổ này thừa nhận đã mất "một số vị trí" vào tay chính quyền Baku, đồng thời cho biết một số dân thường trong khu vực thiệt mạng do xung đột.

Armenia thông báo hai trực thăng, ba máy bay không người lái và ba xe tăng của quân chính phủ Azerbaijan đã bị lực lượng Armenia tiêu diệt. Không quân Azerbaijan chỉ xác nhận một trực thăng bị bắn rơi trong vùng chiến sự và cho biết tính mạng toàn bộ phi hành đoàn vẫn được đảm bảo.

Armenia và vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh đều đã ban bố thiết quân luật và huy động nam giới để chuẩn bị cho nguy cơ chiến sự nghiêm trọng hơn. Azerbaijan cũng áp đặt thiết quân luật ở một số khu vực chiến lược.

Lãnh đạo các nước điện đàm để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia - ông Nikol Pashinyan theo yêu cầu của chính quyền Yerevan. Điện Kremlin thể hiện sự quan ngại trước những xung đột mới xảy ra và mong muốn ngay lập tức thiết lập lệnh ngừng bắn ở khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các bên xung đột nhưng cho biết Nhà Trắng muốn tìm cách chấm dứt chiến sự ở Nagorno-Karabakh và đang "xem xét vấn đề một cách rất nghiêm túc".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan - ông Ilham Aliyev và tái khẳng định sự ủng hộ cho chính quyền Baku. Kể từ năm 1991, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng quan hệ rất chặt chẽ với Azerbaijan (lúc đó mới tách ra từ Liên Xô). 

Bản đồ khu vực nam Caucasus: Azerbaijan (màu cam), Armenia (màu vàng đất), Nagorno-Karabakh (màu đỏ) và khu vực do Armenia chiếm đóng (màu nâu đất). Ảnh: EURASIA REVIEW

Ngoại trưởng Azerbaijan - ông Jeyhun Bayramov đã thực hiện hai cuộc điện đàm riêng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Trong khi đó Ngoại trưởng Armenia - ông Zohrab Mnatsakanyan điện đàm với người đồng cấp Nga, Iran, Canada, Hy Lạp và Thứ trướng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun để thảo luận về chiến sự tại Nagorno-Karabakh, theo Sputnik.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm với người đồng cấp Nga Lavrov. Chính quyền Ankara nói với Moscow rằng vấn đề hiện tại ở Nagorno-Karabakh là "sự gây hấn của Armenia".

Các tổ chức quốc tế kêu gọi các bên ngồi lại bàn đàm phán

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, giảm thang xung đột và quay trở lại bàn đàm phán. Ông Guterres dự định điện đàm với các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.

Các cường quốc cùng với CSTO và EU đều kêu gọi Armenia và Azerbaijan trở lại đàm phán tại Nhóm Minsk - khuôn khổ hợp tác thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), do Nga, Mỹ và Pháp dẫn dắt nhằm tìm giải pháp hòa bình cho khu vực Nagorno-Karabakh.

Nga và Armenia đều là thành viên của CSTO. Azerbaijan từng là thành viên của CSTO nhưng đã rút khỏi tổ chức này vào năm 1999.

Armenia quan ngại trước kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào xung đột khi hỗ trợ Azerbaijan. Thủ tướng Armenia Pashinyan kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực để buộc chính quyền Ankara không hỗ trợ Azerbaijan. 

 

Nagorno-Karabakh là một khu vực thuộc Azerbaijan, không giáp Armenia nhưng đa số dân cư là người Armenia. Một cuộc khảo sát do chính vùng lãnh thổ này thực hiện năm 2015 còn phủ nhận sự tồn tại của cộng đồng người Azerbaijan khi cho rằng người Armenia chiếm 99,7% dân cư.

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người Armenia tại Nagorno-Karabakh tổ chức trưng cầu dân ý với đa số cử tri ủng hộ sự độc lập khỏi Azerbaijan. Tuy nhiên, người Azerbaijan trong vùng tẩy chay và đã không đi bầu phiếu.

Cho tới nay, Nagorno-Karabakh (với tên gọi là Cộng hòa Artsakh) chưa được bất kỳ quốc gia thành viên nào của LHQ công nhận. Tuy nhiên, ngày 27-9, Thủ tướng Armenia Pashinyan cho biết Yerevan có thể công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ này.

Cũng từ năm 1991, xung đột từ chỗ âm ỉ đã bùng phát dữ dội, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa để tránh chiến sự. Đến năm 1994, lệnh ngừng bắn mới được thiết lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm