Chống COVID-19 toàn cầu phức tạp hơn vì ca không triệu chứng

Tờ South China Morning Post ngày 23-3 dẫn số liệu mật của chính quyền Trung Quốc cho biết tính đến cuối tháng 2 đã hơn 43.000 người dương tính với COVID-19 nhưng không biểu lộ triệu chứng.

Những người này sau đó được cách ly để theo dõi nhưng không được tính vào số ca nhiễm chính thức của Trung Quốc, vào thời điểm là khoảng 80.000 ca.

Theo cách phân loại chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mọi ca dương tính với COVID-19 đều được tính là bệnh nhân đã lây nhiễm, bất kể những người đó có triệu chứng bệnh hay chưa.

Chuyên gia y tế làm việc trong phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 13-2). Ảnh: SCMP

Hàn Quốc và nhiều nước đều tuân thủ yêu cầu này nhưng Trung Quốc lại thay đổi cách tính từ ngày 7-2.

Đến giữa tuần trước, hơn 20% số ca dương tính tại Hàn Quốc vẫn không xuất hiện triệu chứng, ngay cả khi đã được xuất viện, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết.

"Hàn Quốc đến nay có số lượng người nhiễm nhưng không có triệu chứng cao đáng kể. Có thể là do việc xét nghiệm hàng loạt trên diện rộng" - Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong nhận định.

Trong khi đó, trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản, sau khi toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn được xét nghiệm, trong 712 người dương tính với virus thì có đến 334 người không có triệu chứng.

Còn ở Hong Kong, 16/138 ca nhiễm tính đến ngày 14-3 đều không biểu hiện triệu chứng. 

Theo South China Morning Post, những con số này là lời cảnh báo cho các nước về lỗ hổng trong công tác phòng dịch.

Dù các nhà khoa học chưa thống nhất được mức độ lây nhiễm của những người nhiễm bệnh không có triệu chứng nhưng với việc càng nhiều người không được chẩn đoán để cách ly điều trị thì nguy cơ lây lan dịch bệnh càng cao. 

Bên cạnh đó, mặc cho WHO khẳng định khả năng lây nhiễm của người không có triệu chứng có thể không phải là yếu tố chính dẫn đến việc lây lan dịch COVID-19 và các trường hợp không triệu chứng rất hiếm khi xảy ra, giới nghiên cứu nhìn chung nghi ngờ đánh giá này khi so sánh với tình hình thực tế.

Trên thực tế, báo cáo của đoàn chuyên gia quốc tế thăm Trung Quốc hồi tháng 2 cũng chỉ ra tỉ lệ người nhiễm không có triệu chứng ở nước này là 1/3 bệnh nhân dương tính với virus ở nước này.  

Nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia Trung Quốc, Mỹ, Anh và Hong Kong gần đây ước tính số ca nhiễm virus mà không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ không được ghi nhận, là nguồn lây lan cho 79% số ca được ghi nhận cho Vũ Hán trước khi thành phố này bị phong tỏa vào ngày 23-1.

Một nghiên cứu khác của ĐH Texas (Mỹ) ước tính những người nhiễm bệnh không có triệu chứng đã lây nhiễm cho khoảng 10% số ca bệnh được nhóm nghiên cứu thống kê.

GS Benjamin Cowling thuộc ĐH Hong Kong cũng cho rằng đã có bằng chứng rõ ràng chứng minh virus vẫn có khả năng lây từ người sang người dù người nhiễm ban đầu chỉ mới ở giai đoạn đầu của bệnh.

"Có rất nhiều báo cáo chỉ ra đã xuất hiện tình trạng lây lan trước khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện" - ông Cowling lưu ý, đồng thời cho biết việc hiểu rõ hiện tượng trên sẽ giúp chính phủ các nước có những thay đổi và điều chỉnh thích hợp trong công tác phòng, chống dịch. 

Hiện Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước đã cho xét nghiệm toàn bộ những người có triệu chứng bệnh và người tiếp xúc gần. Động thái này được South China Morning Post đánh giá là biện pháp hiệu quả giúp các nước này giảm được mức độ lây lan từ các ca nhiễm không triệu chứng nhờ phát hiện, cách ly sớm.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu và Mỹ chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng bệnh COVID-19 và nhân viên y tế phải tiếp xúc gần trong thời gian dài với người bệnh, khiến dịch bệnh các nước này khó kiểm soát hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm