CNN: Viện trợ y tế ứ ở sân bay Ấn Độ dù bệnh viện đang thiếu

Hàng y tế mà các nước viện trợ cho Ấn Độ vẫn đang ùn ứ ở sân bay vì vướng các vấn đề thủ tục và hậu cần, trong khi các bệnh viện tiếp tục chìm trong tình trạng khan hiếm thiết bị chống dịch COVID-19, đài CNN đưa tin.

Tuần trước, các chuyến bay chở máy trợ thở, bình oxy y tế và thuốc kháng virus đã hạ cánh xuống các sân bay ở Ấn Độ nhằm giúp quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai.

Hàng còn kẹt ở các sân bay

Tuy nhiên, phần lớn các bưu kiện khổng lồ này vẫn nằm chờ tại sân bay. Các quan chức địa phương và các nhân viên y tế nói rằng tình trạng thiếu hụt vật tư y tế vẫn tiếp diễn nghiêm trọng như những gì đã diễn ra trong nhiều tuần qua. 

Nhà chức trách Ấn Độ tiếp nhận một lô trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19 được các nước viện trợ tại sân bay. Ảnh: CNN

Trong một buổi họp báo tại Mỹ - quốc gia đã tham gia viện trợ y tế cho Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Mỹ bị phóng viên yêu cầu thực hiện "trách nhiệm giải trình" tại sao Washington sử dụng ngân sách nhà nước để giúp đỡ Ấn Độ nhưng hàng viện trợ chưa tới tay những đối tượng thật sự cần. Báo giới đặt câu hỏi liệu hàng viện trợ y tế của Mỹ đang ở đâu và được Ấn Độ phân phối như thế nào.

Chính phủ Ấn Độ kiên quyết phủ nhận việc chậm trễ trong phân phối các trang thiết bị y tế được viện trợ, nói rằng New Delhi đã lập ra một "cơ chế hợp lý hóa" để phân bổ lượng hàng hóa nhận được từ các nước. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 4-5 cho biết gần 4 triệu vật phẩm thuộc 24 hạng mục hàng viện trợ đã được phân phối tới 38 cơ sở y tế trong cả nước.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế bang Rajasthan (miền bắc Ấn Độ), ông Raghu Sharma nói rằng chính quyền liên bang đã không chia sẻ với chính quyền các bang bất kỳ thông tin nào về việc nhập khẩu hay nhận viện trợ trang thiết bị y tế. Rajasthan là bang có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 10 trong số 36 bang và lãnh thổ hợp nhất của Ấn Độ.

Một số lý giải cho tình trạng chậm trễ đáng trách này

CNN đã nêu ra một số lý do có thể dẫn tới tình trạng chậm trễ phân bổ trang thiết bị y tế tại Ấn Độ như thủ tục rườm rà ở mức không cần thiết, lỗi do con người và điểm yếu về hậu cần.

Theo truyền thông Ấn Độ, chính quyền New Delhi không có sẵn các quy trình phân bổ cần thiết khi nhận viện trợ, do đó phải vội vã lập ra bộ thủ tục và hướng dẫn phân bổ các trang thiết bị y tế. 

Không quân Ấn Độ được huy động để vận chuyển một lô trang thiết bị chống dịch COVID-19 do Mỹ viện trợ. Ảnh: CNN

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết chính quyền New Delhi đã mất bảy ngày, từ ngày 26-4 đến ngày 2-5, để lập ra cơ chế phân bổ nguồn cung trang thiết bị y tế cho các bang và lãnh thổ liên hợp. Trong một tuần này, nước này báo cáo gần 2,6 triệu ca nhiễm mới và thêm 23.231 trường hợp không qua khỏi.

Ngay cả khi quy trình đã được lập ra, quá trình phân phối vẫn vô cùng phức tạp và có khả năng việc phân bổ trang thiết bị y tế được viện trợ còn bị trì hoãn thêm.

Đầu tiên, Hiệp hội Chữ thập đỏ Ấn Độ là đơn vị nhận hàng hóa viện trợ. Hiệp hội Chữ thập đỏ đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền New Delhi và được cơ quan hải quan hỗ trợ 24/7. Sau đó, hàng hóa viện trợ sẽ được bàn giao cho Bộ Y tế Ấn Độ và một doanh nghiệp nhà nước để chuẩn bị chuyển các trang thiết bị y tế này tới nơi cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nhiều lô hàng viện trợ có số lượng, chủng loại hàng hóa không khớp với danh sách mà quốc gia, đơn vị viện trợ thông báo từ trước. Chỉ khi các thủ tục khai báo hoàn tất thì nhà chức trách mới có thể bắt đầu phân bổ hàng viện trợ.

Ngoài ra, bài toán vận tải ở Ấn Độ cũng là một vấn đề lớn. Để góp phần khắc phục khó khăn này, không quân đã được huy động để vận chuyển hàng hóa viện trợ từ nước ngoài về nước và từ thủ đô New Delhi tới các địa phương.

Chính quyền New Delhi cho biết các địa phương có nhiều ca nhiễm hay có vị trí trung tâm khu vực sẽ được ưu tiên. Các bang có tình trạng dịch ít nghiêm trọng hơn hay các vùng sâu vùng xa sẽ được phân bổ hàng viện trợ sau.

Trong khi bài toàn phân bổ chưa được giải quyết, số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng. Tới chiều 6-5, nước này đã báo cáo tổng cộng 21.077.410 ca nhiễm, bao gồm 230.168 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers. info. Tuy nhiên, tình hình dịch tại Ấn Độ có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với con số thống kê này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm