Cố vấn nước ngoài đứng ngoài cuộc điều tra cảnh sát Hong Kong

Các chuyên gia quốc tế cố vấn cho cơ quan giám sát cảnh sát Hong Kong đã bất ngờ tuyên bố "đứng ngoài cuộc" đối với những tranh luận về những hành động của lực lượng cảnh sát trong các cuộc biểu tình từ tháng 6 tới nay.

Tháng trước, một hội đồng gồm năm chuyên gia cố vấn cho Hội đồng độc lập về Khiếu nại cảnh sát (IPCC) cho rằng nhóm này nên được trao thêm quyền hạn để tiến hành điều tra các sĩ quan cảnh sát trong việc phản ứng với các cuộc biểu tình chống chính quyền đặc khu. 

Chủ tịch IPCC, ông Anthony Neoh, người đã đề xuất thành lập hội động cố vấn quốc tế hỗ trợ điều tra các cảnh sát Hong Kong. Ảnh: SCMP

Ngày 10-12, các chuyên gia này tuyên bố sau những khuyến nghị của họ, "cuộc đối thoại với IPCC đã không dẫn đến bất kỳ quy trình nào để nhóm chuyên gia có thể hỗ trợ hiệu quả cho các nghiên cứu chuyên đề" về các hoạt động của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.

Nhưng chủ tịch IPCC, ông Anthony Neoh, đã bác bỏ đề xuất này. Trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông Trung Quốc đại lục, ông Neoh đã phê phán các chuyên gia này thiếu hiểu biết về tình hình Hong Kong.

IPCC chỉ cho phép nhóm chuyên gia xem xét các khiếu nại đối với sĩ quan được chuyển lên từ bộ phận khiếu nại của lực lượng cảnh sát, nhưng họ không có quyền khởi động điều tra, triệu hồi nhân chứng hay yêu cầu các tài liệu để làm bằng chứng.

"Kết quả là nhóm chuyên gia đã ra quyết định sẽ chính thức đứng ngoài cuộc", không tiếp tục can thiệp vào những hoạt động được cho là nhiệm vụ của họ.

Các chuyên gia nhắc lại rằng họ đưa ra những đề xuất đó để đưa IPCC "bắt đầu đáp ứng tiêu chuẩn" mà người dân Hong Kong cần cơ quan giám sát bảo vệ quyền lợi và sự tự do của mình.

Nhóm chuyên gia cũng cho biết họ sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ IPCC "nếu và khi mà cơ quan này phát triển những năng lực cần thiết và đưa ra một bản dự thảo báo cáo tạm thời về các cuộc biểu tình".

"Dù đánh giá đã có một sự tiến bộ thực sự trong việc thu thập và phân tích dữ liệu nhưng cuối cùng chúng tôi nhận định rằng rõ ràng có một sự thiếu hụt nghiêm trọng về quyền lực, khả năng và năng lực điều tra độc lập của IPCC", các chuyên gia nói.

Chủ tịch IPCC chưa đưa ra bình luận chính thức trên truyền thông về diễn biến này.

Đề xuất của nhóm chuyên gia này được công bố lần đầu tiên bởi một thành viên trong nhóm, GS Clifford Stott, trên một bài đăng trên Twitter hồi giữa tháng 11.

Trong cuộc họp báo sau đó, IPCC đã tuyên bố thất vọng về hành động của GS Stott, cho rằng đó không phải là một tuyên bố của nhóm, mà chỉ là một "hành động cá nhân" của ông.

Vẫn chưa rõ liệu diễn biến mới này có ảnh hưởng gì tới quan hệ giữa IPCC và hội đồng cố vấn, bao gồm cả quyền tiếp cận bản dự thảo báo cáo dự định sẽ được trình lên Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào cuối tháng này và được công bố vào tháng 1 năm sau.

Hội đồng chuyên gia kể trên được thành lập theo đề xuất của ông Neoh, tập trung xem xét những cuộc biểu tình vào các ngày 9-6, 12-6, 1-7, 1-8, 31-8 và cuộc tấn công vào hành khách và người biểu tình ở trạm MRT Nguyên Lãng ngày 21-7.

Cuối tháng 7, ông Neoh đã tới Anh mời hai chuyên gia tham gia hội đồng cố vấn đặc biệt này: ông Denis O'Connor - Thanh tra trưởng Sở cảnh sát Anh - và ông Clifford Stott - giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Keele. Ngoài ra, còn có các chuyên gia khác từ Úc và Canada được mời vào hội đồng.

Trong một bài phỏng vấn vào tháng 8, ông Neoh mô tả các cuộc biểu tình ở Hong Kong tương tự các cuộc bạo loạn kéo dài ở London hồi năm 2011.

Ông lưu ý rằng chính phủ Anh cũng đã không mở các cuộc điều tra có sự tham gia của thẩm phán, mà chỉ chỉ định ông O'Connor xem xét các chiến thuật và hành động của các sĩ quan cảnh sát, tương tự cách mà Hong Kong đang làm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm