COVID-19 Mỹ: Chết, nhiễm tăng, kêu gọi quân đội hỗ trợ

Mỹ đã vượt mặt Tây Ban Nha trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý.

Theo số liệu từ trang web thống kê Worldmetters, tính đến hết ngày 22-3, Mỹ đã phát hiện hơn 33.546 ca nhiễm, trong đó tới 419 người chết.

32.949 người còn nằm viện, trong đó 795 người nguy kịch. Đã có 178 người được điều trị hồi phục xuất viện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Vệ binh quốc gia Mỹ hỗ trợ các bang New York, California và Washington đối phó với đại dịch COVID-19. Ảnh: CNN

Bang New York đang là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh, chiếm gần 50% số ca nhiễm ở Mỹ. Tiếp đến là hai bang Washington và New Jersey với gần 2.000 ca nhiễm.

New York cũng là bang có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất, với 117 trường hợp. Tiếp đó là bang Washington: 95 người chết.

Khoảng 1/3 dân số Mỹ được yêu cầu "ở trong nhà"

Ngày 22-3, thêm ba bang của Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và yêu cầu người dân "ở trong nhà", bao gồm các bang Ohio, Louisiana và Delaware, theo trang tin Channel News Asia.

Hạt Dallas (bang Texas) và TP Philadelphia (bang Pennsylvania) cũng có động thái tương tự khi tạm ngưng các hoạt động sản xuất không thiết yếu và yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.

Thống đốc bang Ohio Mike DeWine nói: "Mọi bằng chứng mà tôi đang có trên tay cho thấy chúng ta đang ở một thời điểm then chốt trong cuộc chiến (chống dịch COVID-19 - PV) và những gì chúng ta làm sẽ tạo ra sự khác biệt cho toàn thế giới".

"Những gì chúng ta làm sẽ làm chậm lại sự tấn công của dịch bệnh" để hệ thống y tế có thêm thời gian điều trị cho các ca nhiễm bệnh, ông DeWine nói tiếp.

Bang Kentucky cũng yêu cầu đóng cửa các cơ sở sản xuất mặt hàng không thiết yếu nhưng không yêu cầu người dân phải ở trong nhà.

Trước đó, các bang New York, California, Illinois, Connecticut, New Jersey cũng đã yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo yêu cầu chính quyền tiểu bang trong vòng 24 giờ phải đưa ra một kế hoạch để xử lý những người không tuân theo quy định về giãn khoảng cách xã hội, vẫn còn tụ tập ở các công viên và nhiều nơi khác.

Như vậy lệnh cấm ra khỏi nhà đã ảnh hưởng tới khoảng 1/3 trong số hơn 330 triệu dân của nước Mỹ.

Nhờ sự hỗ trợ của quân đội và chính quyền liên bang

Cuối tuần qua, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu có những bước đi mạnh mẽ hơn để đối phó với đại dịch. Ông Trump đã yêu cầu Vệ binh quốc gia - lực lượng trù bị của quân đội Mỹ, lo các vấn đề khẩn cấp trong nước - hỗ trợ các bang New York, California và Washington đối phó với dịch bệnh. 

Tàu BV Mercy của Hải quân Mỹ sẽ được điều đến hỗ trợ TP Los Angeles. Ảnh: REUTERS

Ông cũng yêu cầu tàu BV Mercy nhanh chóng đến TP Los Angeles (bang California) trong vòng một tuần để cung cấp cho đội ngũ y tế TP các trang thiết bị y tế cần thiết.

Trước đó, Thống đốc bang New York Cuomo cũng kêu gọi chính quyền liên bang tham gia việc quản lý và phân phối các trang thiết bị y tế, điều tiết quá trình hỗ trợ giữa các bang vì những nguồn trang bị này là có hạn.

Thị trưởng TP New York (bang New York) Bill de Blasio đã kêu gọi quân đội Mỹ hỗ trợ hệ thống y tế của TP này tránh khỏi tình trạng quá tải.

Ông nhấn mạnh đại dịch "đang trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của TP kể từ đại suy thoái (những năm 1930 - PV), đó là lý do vì sao chúng ta cần huy động toàn lực sự hỗ trợ của quân đội Mỹ".

Ông de Blasio nhấn mạnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trang thiết bị y tế ở TP và cho rằng "nếu chúng ta không có thêm các máy thở y tế trong 10 ngày tới, những người đáng lẽ không phải chết có thể sẽ chết".

Tình trạng thiếu nguồn lực y tế cũng xảy ra ở bang Texas. Thống đốc bang này là ông Greg Abbott cho biết Texas đang thiếu các thiết bị bảo hộ cá nhân cho các y, bác sĩ.

Dù rằng những trang bị này sẽ được chuyển đến vào tháng 7, ông Abbott cho rằng như vậy là quá trễ.

"Chúng tôi cần việc giao hàng được thực hiện ngay ngày mai. Chúng tôi có sẵn tiền cho bất kỳ ai có thể bán cho chúng tôi những bộ đồ bảo hộ. Chúng tôi sẽ ký séc cho bạn ngay tại chỗ" - ông Abbott nói.

Không chỉ tại Mỹ, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng đang diễn biến phức tạp. Có tổng cộng gần 331.900 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới, có 14.581 người tử vong và gần 96.200 bệnh nhân được chữa khỏi, theo South China Morning Post.

Số ca tử vong ở Ý tiếp tục tăng cao, bằng 5/3 số ca tử vong ở Trung Quốc. Các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng khi số ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm