Đại sứ Afghanistan tại Bắc Kinh gợi ý 2 cách Trung Quốc gây sức ép lên Taliban

Người đứng đầu phái đoàn ngoại giao Afghanistan tại Trung Quốc, Đại sứ Javid Ahmad Qaem thúc giục chính quyền Bắc Kinh gây sức ép để lực lượng Hồi giáo Taliban ngừng các chiến dịch quân sự, tờ South China Morning Post đưa tin hôm 14-8.

Trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post, ông Qaem chỉ ra hai cách để Trung Quốc có thể gây sức ép lên Taliban.

Theo đó, ông Qaem kêu gọi Trung Quốc thể hiện “thật rõ ràng” sẽ không chấp nhận việc Taliban quản lý Afghanistan và những gì lực lượng này “tiếp tục làm trên thực địa lúc này sẽ không được chấp nhận”. 

Đại sứ Afghanistan tại Bắc Kinh (Trung Quốc) Javid Ahmad Qaem. Ảnh: REUTERS

Cách gây sức ép thứ hai là thông qua Pakistan - đồng minh của Trung Quốc ở Nam Á. Ông Qaem giải thích rằng “có rất nhiều tài liệu cho thấy Taliban nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Pakistan” còn “Trung Quốc có mối quan hệ rất tốt với Pakistan”.

Đại sứ Qaem cho rằng Trung Quốc có thể thuyết phục để Pakistan nhận thấy lợi ích của một nước Afghanistan hòa bình và hành động vì sự hòa bình của quốc gia láng giềng này - điều có lợi cho toàn khu vực.

Ông Qaem cho biết Afghanistan không có kế hoạch nhờ tới sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, song đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình cứu trợ nhân đạo và nới lỏng điều khoản thương mại trong dài hạn.

Những bình luận của ông Qaem được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban ở Qatar hôm 12-8 vẫn bế tắc.

Mỹ đang xúc tiến việc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, song vẫn chậm hơn so với thỏa thuận ban đầu mà Washington và Taliban thống nhất hồi năm ngoái. Từ tháng 5, Taliban đã tăng cường các chiến dịch quân sự. Giới chức Mỹ cho biết Taliban đã kiểm soát 2/3 lãnh thổ Afghanistan và đang tiến về thủ đô Kabul. Tình báo Mỹ lo ngại Taliban sẽ kiểm soát Kabul chỉ trong 90 ngày.

Tính tới ngày 13-8, Taliban đã kiểm soát được 18 thành phố thủ phủ của các tỉnh ở Afghanistan, bao gồm thành phố lớn thứ ba (TP Herat, tỉnh Herat) và lớn thứ hai (TP Kandahar, tỉnh Kandahar) đất nước, theo hãng tin Al Jazeera.

Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Nga đều gửi phái đoàn đến Qatar và nêu rõ lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, thúc đẩy tiến trình hòa bình, cũng như nhấn mạnh rằng các nước này sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào ở Afghanistan “bị áp đặt thông qua việc sử dụng lực lượng quân đội".

Trong vài tuần qua, Trung Quốc, cùng với Nga, Iran và Uzbekistan, đã tiếp đón đại diện của Taliban. Tiếp phái đoàn Taliban hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gọi Taliban là “lực lượng quân sự và chính trị nòng cốt” của Afghanistan. Ông Vương cũng kêu gọi Taliban cắt đứt mọi quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - lực lượng đòi ly khai ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc).

Trước đó, trong một bài phỏng vấn South China Morning Post thực hiện với người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen, ông này gọi Trung Quốc là “người bạn được hoan nghênh” của Taliban và cam kết không chấp nhận những tay súng ly khai ở Tân Cương sang Afghanistan tị nạn.

Phản bác quan điểm này, Đại sứ Afghanistan cho rằng lời cam kết của Taliban không đáng tin. Ông Qaem cho rằng hệ tư tưởng của Taliban và ETIM đều là “cực đoan” và không có lý do gì để hai lực lượng này cắt đứt mối quan hệ có lịch sử hơn 20 năm.

Đại sứ Afghanistan cũng lặp lại lập trường của Kabul, hoan nghênh việc Trung Quốc đối thoại với Taliban, đồng thời bác bỏ các suy diễn rằng động thái như vậy cho thấy Bắc Kinh ủng hộ lực lượng Hồi giáo này.

“Trung Quốc đang cố gắng có một số cơ sở trung lập để làm trung gian hòa giải về sau” - ông Qaem nói, đồng thời thuyết phục Trung Quốc rằng “khoản đặt cược tốt nhất” cho Bắc Kinh là đứng về phía chính quyền Afghanistan chứ không phải Taliban. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm