Đến lượt Mỹ có thể chịu suy thoái vì COVID-19

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận tính đến 19 giờ 30 tối 27-2, có 2.812 người tử vong vì dịch COVID-19 gây ra, 82.526 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 26-2, số ca tử vong tăng 42 người, số ca lây nhiễm mới tăng 997 người.

Đến nay đã có 65 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 26 ca ở Iran, 13 ca ở Hàn Quốc, tám ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 12 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp và một ca ở Philippines.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 33.208 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus COVID-19, tăng 2.891 người so với ngày 26-2.

Trong khi tình hình kinh tế TQ trong bối cảnh dịch lây lan mạnh có nhiều diễn biến ảm đạm, Mỹ cũng đang bắt đầu nhận lấy những cảnh báo tương tự khi COVID-19 có dấu hiệu bùng phát ở nước này. Theo đó, các nhà kinh tế nhận định dịch bệnh đang khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao đao, sẽ là đòn giáng vào tiêu dùng tại Mỹ và là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020.

Hiện Mỹ ghi nhận 60 trường hợp lây nhiễm COVID-19, không có ca tử vong.

Hành khách hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy ở TP New York (Mỹ) ngày 25-2. Ảnh: CNN

Người tiêu dùng Mỹ lao đao

“Việc các điều kiện tài chính bị siết chặt là tác động khủng khiếp nhất của dịch COVID-19” - hãng tin Reuters dẫn lời nhà kinh tế Gregory Daco thuộc Oxford Economics nhận định.

Được biết số ca nhiễm trên toàn thế giới tăng mạnh và nguy cơ dịch lan tới Mỹ khiến thị trường chứng khoán nước này mất 2.000 tỉ USD trong tuần qua và đẩy giá USD leo thang. Ông Daco cho biết biến động dữ dội của thị trường sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ trở nên thận trọng, không dám chi tiêu.

Chuyên gia kinh tế Mark Zandi thuộc Tập đoàn tư vấn Moody’s Analytics nhận định việc thị trường chứng khoán “đỏ lửa” kéo dài sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế Mỹ bởi nó trực tiếp tác động đến người tiêu dùng. “Người tiêu dùng Mỹ đang là bức tường lửa giữa ranh giới của một nền kinh tế đang tăng trưởng và một nền kinh tế suy thoái” - chuyên gia Zandi nhấn mạnh.

Tuần này, Moody’s Analytics đã nâng dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong nửa đầu năm từ 20% lên 40%. “Nếu COVID-19 biến thành đại dịch và lan đến Mỹ, tôi không thấy chúng ta có cách nào ngăn suy thoái” - ông Zandi cảnh báo.

Ông Zandi cũng chia sẻ chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm nhẹ trong tuần trước khi dịch COVID-19 gây sức ép lên thị trường chứng khoán. Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ nhìn chung vẫn lạc quan hơn so với năm ngoái khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang.

Cho đến gần đây, giới chức y tế và các chuyên gia kinh tế Mỹ vẫn cho rằng dịch bệnh chỉ giới hạn tại TQ, không thể lan qua Mỹ. Tuy nhiên, việc virus bất ngờ bùng phát tại nhiều nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản và Iran lập tức phủ nhận quan điểm này.

“Chỉ cần xuất hiện một ổ dịch ở một trung tâm thương mại hay hội thảo nào đó thôi, hành vi của người dân sẽ thay đổi nhanh chóng” - Chủ tịch tập đoàn tư vấn Cumberland Advisors, ông David Kotok, cho biết.

Ông Kotok cũng cho rằng đợt bùng phát như vậy sẽ châm ngòi cho suy thoái toàn cầu và thị trường tài chính đã bắt đầu tính đến rủi ro này rồi. “Tôi vẫn hy vọng dịch bệnh không bùng phát tại đây. Nhưng hai tuần trước, Hàn Quốc và Ý cũng đâu nghĩ việc này sẽ diễn ra” - ông nói.

Công ty công nghệ sinh học Moderna Therapeutics (Mỹ) hôm 26-2 tuyên bố đã bào chế thành công vaccine COVID-19. Quá trình thử nghiệm trên người có thể bắt đầu ngay từ đầu tháng 4-2020. 

Doanh nghiệp Mỹ đứng ngồi không yên

Theo đài CNBC, giới chuyên gia kinh tế nhận định vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách đối với nhiều công ty Mỹ đang chờ đợi các nhà máy TQ mở cửa trở lại. Nếu các nhà cung ứng TQ sớm nối lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ tránh được thảm họa. Bằng không, những diễn biến nghiêm trọng của TQ sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ “lo lắng đến mất ngủ”.

Một số doanh nghiệp Mỹ đã tiến hành di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi TQ và tránh được trình trạng tê liệt vì dịch. Azazie, một hãng bán lẻ thời trang ở TP San Jose (bang California), trước đây có 50 xưởng gia công ở TQ, đã đưa một phần dây chuyền sản xuất tới Campuchia và Việt Nam.

Nhưng đối với nhiều công ty đa quốc gia khác phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất ở TQ, việc di dời không hề dễ dàng. Tuần trước, Apple cảnh báo doanh thu quý này sẽ không đạt mục tiêu do dây chuyền sản xuất iPhone ở TQ tê liệt và nhu cầu tại đây sụt giảm.

MGA Entertainment, một công ty sản xuất búp bê, cho biết một số nhà máy của hãng ở TQ đã nối lại hoạt động nhưng không thể kiếm được nguồn nguyên liệu thô, bao gồm thép, resin và giấy bồi. Cơ sở của hãng ở Hudson (bang Ohio) đang chạy hết công suất nhưng chỉ đủ nguyên liệu thô nhập từ TQ cho khoảng một tháng nữa. “Trong 41 năm kinh doanh, đây là thảm họa tồi tệ nhất đối với chúng tôi” - Giám đốc Isaac Larian chia sẻ.

Mỹ xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên chưa từng tới Trung Quốc

Ngày 26-2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia Mỹ (CDC) đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên không thể truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm ở khu vực phía bắc bang California. Theo tờ The Washington Post, bệnh nhân này chưa từng rời khỏi Mỹ và cũng không hề tiếp xúc với bất cứ người nhiễm nào trước đó. Thông báo này của CDC làm dấy lên lo ngại nguy cơ COVID-19 bắt đầu lây lan ngầm trong nước Mỹ.

Hiện CDC cho hay đang áp dụng cách tiếp cận hai mặt, vừa nỗ lực ngăn virus lây lan, vừa thực hiện những chiến lược nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với cộng đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm