Đến lượt NATO lo ngại Huawei

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 14-3 cho biết liên minh quân sự này đang nghiên cứu cách đối phó với những lo ngại về an ninh do một số quốc gia thành viên đưa ra về Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.

Theo hãng tin AP, ông Stoltenberg nói rằng một số trong 29 thành viên NATO đang cảm thấy bất an về những thách thức bảo mật tiềm ẩn khi làm việc với Huawei trong lúc họ xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông 5G.

Mỹ đang vận động châu Âu và các đồng minh khác tránh xa Huawei khi các nhà mạng điện thoại của họ đầu tư hàng tỉ USD để nâng cấp lên các mạng di động thế hệ tiếp theo.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Huawei bác bỏ các cáo buộc rằng tập đoàn này có thể hỗ trợ cho hoạt động do thám của Trung Quốc hoặc bị chính phủ nước này kiểm soát.

Ông Stoltenberg cho biết vấn đề này đang được giải quyết tại nhiều thủ đô của NATO. “Đây là một vấn đề thương mại và kinh tế nhưng cũng có những hệ lụy tiềm tàng về an ninh”, người đứng đầu NATO nhấn mạnh.

“NATO rất coi trọng những lo ngại này”, ông Stoltenberg nói, đồng thời cho biết các đồng minh của NATO sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến, tiếp tục đánh giá và xem xét liệu NATO có vai trò gì hay không”.

Ông Stoltenberg đã từ chối cho biết những gì mà tổ chức này có thể làm.

Theo đài Al Jazeera, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng thuyết phục các đồng minh chống lại việc sử dụng Huawei và các nhà cung cấp Trung Quốc khác trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng 5G.

Ảnh: REUTERS

Washington cho rằng Huawei và các công ty Trung Quốc khác phải tuân theo Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc, vốn đòi hỏi các tổ chức và công dân nước này hợp tác trong những nỗ lực gián điệp của Bắc Kinh.

Tháng 8 năm ngoái, ông Trump đã ký một dự luật cấm các cơ quan chính phủ sử dụng một số sản phẩm viễn thông và giám sát của các nhà cung cấp Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Về phần mình, Huawei, vốn đã liên tục bác bỏ các cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp thay mặt chính phủ Trung Quốc, tuần trước tuyên bố khởi kiện Mỹ về lệnh cấm trên, cho rằng hành động này là "bất hợp pháp" và hạn chế "tham gia cạnh tranh công bằng".

Sau phát biểu của ông Stoltenberg ngày 14-3, Huawei đã đưa ra tuyên bố khẳng định “không có bằng chứng” cho thấy họ đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh mạng, và rằng công ty này “để ngỏ đối thoại” với bất cứ ai có mối quan tâm chính đáng về an ninh mạng.

Đại học ở Anh lo ngại khi ‘qua lại’ với Huawei
Đại học ở Anh lo ngại khi ‘qua lại’ với Huawei
(PLO)- Các trường đại học Anh có liên hệ với Huawei đã phải vật lộn với những lo ngại của các nhân viên rằng tranh cãi xung quanh tập đoàn này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động nghiên cứu của họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm