Dịch COVID-19: Phụ huynh châu Á khổ sở vì trường đóng cửa

Tính đến 19 giờ 30 tối 2-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận trên thế giới có 3.069 người tử vong vì dịch COVID-19, 89.799 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 1-3, số ca lây nhiễm tăng 2.129 người, số ca tử vong tăng 75 người.

Giải pháp đóng cửa trường học

Đến nay đã có 157 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục gồm 66 ca ở Iran, 26 ca ở Hàn Quốc, 13 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 41 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, hai ca ở Pháp, một ca ở Philippines, hai ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan, một ca ở Úc và một ca ở San Marino.

Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 45.512 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 2.886 người so với ngày 1-3.

Trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngoài Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã chủ động chọn giải pháp đóng cửa một số hay toàn bộ trường học nhằm tránh khả năng lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, cho học sinh (HS) nghỉ cũng đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh phải ở nhà để trông con bên cạnh nỗi lo ảnh hưởng chương trình học.

Một nhóm học sinh Hong Kong đi bộ trên đường ở quận Cửu Long. (Ảnh chụp ngày 29-2) Ảnh: SCMP

Không đủ thời gian, không đủ chất lượng

Trả lời phỏng vấn của đài CNA, chị Chen Yan, một nhân viên văn phòng ở TP Thiều Quan (TQ), cho biết đã phải lắp camera giám sát để theo dõi con trai học tập ở nhà khi trường học trong tỉnh bị đóng cửa để đề phòng COVID-19 lây lan. Nhưng mỗi lần mở camera, người mẹ này lại muốn “bốc hỏa” khi con trai làm đủ mọi thứ ở nhà trừ việc nghe giảng.

“Tôi còn không nghe được một câu trọn vẹn từ bài giảng của giáo viên vì tốc độ Internet quá chậm. Tôi nghĩ là giáo viên cũng không thể biết được con tôi có nghe giảng trong giờ học hay không” - chị Chen giải thích khi thấy con trai đang ngủ gật trước màn hình máy tính.

Không chỉ có chị Chen Yan, hàng triệu phụ huynh Nhật Bản, TQ đại lục và Hong Kong cũng đang đau đầu với bài toán con nghỉ học khi các trường đều đóng cửa ít nhất tới tháng 4.

Jackie Yang, nhân viên một ngân hàng ở Hong Kong, chia sẻ rất mệt mỏi khi phải kèm con học giữa lúc công việc bề bộn. “Hòm thư tràn ngập, danh sách việc cần làm ngày càng dài, trong khi các con không để tôi yên chút nào. Tôi ngán đến tận cổ rồi. Hãy tưởng tượng xem cứ mỗi phút lại có một đứa hét lên “Mẹ, con không biết đăng nhập vào máy tính”, “Mẹ, in cái này ra cho con”” - bà Yang bức xúc.

Theo CNA, HS Hong Kong dự kiến sẽ mất khoảng 13 tuần học của năm 2020 cho việc nghỉ học chống dịch. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản ngày 27-2 cũng ra thông báo tương tự khi yêu cầu tất cả trường học đóng cửa hai tuần để kiểm soát dịch.

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định đây là quãng thời gian quan trọng để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 và ngăn chặn nguy cơ HS và giáo viên bị nhiễm bệnh khi tập trung đông ở trường suốt nhiều giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, một số trường có thể lựa chọn duy trì hoạt động tạm thời hoặc hoãn lệnh đóng cửa.

Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích quyết định trên vì cho rằng họ phải bỏ mất công việc để trông con. Tokyo cho biết sẽ trao đổi với các công ty để giải quyết vấn đề trên. “Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tạo điều kiện cho phụ huynh nghỉ ở nhà” - Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định trong họp báo ngày 28-2.

Một giải pháp phổ biến hiện nay là nhiều cơ quan và doanh nghiệp ở cả Hong Kong và Nhật Bản sẽ cho phép nhân viên làm việc ở nhà. Tuy nhiên, nhiều người cho biết cảm thấy rất khó khăn khi vừa phải hoàn thành việc của cơ quan, công ty vừa phải kèm con học trực tuyến.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 2-3 đã ra chỉ thị lùi năm học 2020 thêm hai tuần trong bối cảnh ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 4.300 ca tính đến tối cùng ngày. Trong số này, ít nhất 200 trường hợp là người dưới 18 tuổi. 

Đau đầu học phí mùa dịch

Tờ The Straits Times cho biết một trong những băn khoăn lớn nhất của phụ huynh khi các trường cho HS nghỉ tránh dịch thì có hoàn trả toàn bộ hoặc một phần học phí của thời gian nghỉ hay không, nhất là những trường áp dụng quy chế thu học phí theo quý ba tháng hoặc theo năm.

Ông Mathew Mohrbach, giáo viên một trường quốc tế ở Hong Kong, ủng hộ quan điểm không trả lại học phí khi cho rằng “việc học không dừng lại” ngay cả khi trường học đóng cửa. “Chúng tôi chưa bỏ lỡ một tiết học nào và giáo viên đang dạy đủ số bài học thông qua các nền tảng chia sẻ video kết hợp dịch vụ Google Classroom (lớp học Google - một nền tảng cho phép giáo viên chia sẻ bài giảng và giao tiếp trực tuyến với HS). Chúng tôi vẫn tổ chức các buổi họp giáo viên hay họp tổ, đồng thời tổ chức các lớp học ngoại khóa cho HS có nhu cầu” - ông Mohrbach giải thích.

Dù vậy, một số phụ huynh do lo ngại chương trình học bị gián đoạn đã chọn giải pháp đưa con đi du học nước ngoài ngắn hạn, nhất là những HS cuối cấp đang phải chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp hay thi ĐH.

Với những phụ huynh không có điều kiện như vậy, quãng thời gian trường học đóng cửa vì COVID-19 vẫn tiếp tục là một thử thách lớn. “Khi con bé học, tôi là giáo viên của nó. Khi nó chơi, tôi phải chơi với nó. Khi nó ngủ, tôi phải chuẩn bị đồ dùng học tập cho ngày hôm sau. Tôi không có chút thời gian nghỉ ngơi nào” - Ivan Au, một nhân viên bảo hiểm 48 tuổi ở Hong Kong, chia sẻ việc kèm cặp con gái năm tuổi mỗi ngày của anh.

Được biết hồi 26-2, chính quyền Hong Kong tuyên bố mỗi người dân sẽ nhận khoảng 1.300 USD tiền hỗ trợ mỗi tháng trong suốt thời gian đặc khu này thực hiện các biện pháp ngăn dịch COVID-19.

Cố vấn đại giáo chủ Iran tử vong do dịch COVID-19

Hãng tin IRNA (Iran) ngày 2-3 cho hay ông Seyed Mohammad Mir-Mohammadi, một thành viên trong hội đồng cố vấn của đại giáo chủ Ali Khamenei, đã tử vong vì bệnh COVID-19 tại BV Daneshvari ở thủ đô Tehran.

Ông Mohammad Mir-Mohammadi qua đời trong bối cảnh nhiều quan chức cấp cao khác của Iran đã bị lây bệnh COVID-19, trong đó có cả Phó Tổng thống Masoumeh Ebtekar và Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi.

Nước cộng hòa Hồi giáo này cũng trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, sau TQ đại lục, với 66 trường hợp tử vong và 1.501 ca nhiễm COVID-19 tính đến tối 2-3. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm