Đức có thể bỏ dự án Nord Stream 2 với Nga vì ông Navalny?

Nhiều chính trị gia hàng đầu Đức cho rằng cần nhắm vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2 mà nước này hợp tác với Nga để trừng phạt Moscow, sau cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 3-9, phát biểu trên sóng một đài phát thanh địa phương về khả năng trừng phạt dự án Nord Stream 2 của Nga, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Bundestag (tức Hạ viện Đức), ông Norbert Roettgen cho rằng "phải có một phản ứng chung của châu Âu".

"Chúng ta phải theo đuổi các hành động chính trị cứng rắn và phải phản ứng bằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu - đó là giao dịch khí đốt" - ông Roettgen nhấn mạnh.

Ông Roettgen là một thành viên trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Đức Norbert Roettgen. Ảnh: WELT

Chủ nhiệm Hội nghị An ninh Munich - một diễn đàn chính sách an ninh thường niên ở Đức - đồng thời là cựu Đại sứ Đức tại Mỹ, ông Wolfgang Ischinger cũng đồng tình với ông Roettgen.

Ông Ischinger cho rằng các biện pháp như trục xuất quan chức ngoại giao Nga là không đủ sức nặng.

"Nếu chúng ta muốn cùng với các đối tác của mình gửi một thông điệp rõ ràng đến Moscow, quan hệ kinh tế phải được đặt trong chương trình nghị sự và điều đó có nghĩa là dự án Nord Stream 2 phải bị loại bỏ" - ông Ischinger nói.

Tuy nhiên, cựu quan chức ngoại giao Đức cũng cảnh báo rằng Berlin không nên tẩy chay hoàn toàn quan hệ với Moscow. Theo ông Ischinger, một động thái như vậy là quá mức cần thiết và sẽ ra một "bức tường giữa phương Tây và Nga".

Trước đó, trong ngày 2-9, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton (đảng Cộng hòa) cũng đề cập việc phải "ngăn chặn đường ống dẫn khí Nord Stream 2 để buộc người Nga chịu trách nhiệm" cho việc sử dụng chất độc thần kinh Novichok. 

Một đoạn đường ống dẫn khí Nord Stream 2 tại Chelyabinsk (Nga). Ảnh: REUTERS

Ngày 2-9, Thủ tướng Merkel thông báo các nhà chuyên gia Đức đã phát hiện có dấu vết của chất độc thần kinh Novichok trong cơ thể ông Navalny - đối thủ chính trị hàng đầu của Tổng thống Putin.

Thủ tướng Đức yêu cầu Nga phải giải thích thỏa đáng về vấn đề này, đồng thời cho biết Berlin đang thảo luận với các động minh trong khối NATO để đưa ra phản ứng chung chống lại vụ hạ độc bằng vũ khí hóa học.

Moscow phủ nhận cáo buộc của Berlin, khẳng định các bác sĩ và quan chức Nga đã xét nghiệm kỹ lưỡng và không phát hiện dấu vết chất độc nguy hiểm này ở ông Navalny.

Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova còn cho rằng việc cáo buộc ông Navalny bị trúng độc Novichok chỉ là cái cớ biện minh cho "các biện pháp đáp trả" mà phương Tây đã dàn xếp từ trước.

Thượng nghị sĩ Nga, đại tá tình báo Alexei Kondratyev mô tả lời cáo buộc của Berlin là một hành vi khiêu khích và cũng nhận định rằng câu chuyện ông Navalny bị đầu độc có thể là âm mưu do Mỹ chuẩn bị để tấn công dự án Nord Stream 2, theo hãng tin Sputnik.

Nord Stream 2 là dự án đầy tham vọng của Moscow, kết nối nguồn cung khí đốt dồi dào của Nga với Đức để tiếp tục thâm nhập vào thị trường rộng lớn ở châu Âu. Dự án gồm hai đường ống chạy song song, dài hơn 1.200 km. Mỗi ống có công suất vận chuyển 55 tỉ m3 khí mỗi năm.

Mỹ đã liên tục gây sức ép buộc Đức và các quốc gia mà Nord Stream 2 đi qua - bao gồm Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch - hủy bỏ dự án này. Washington kêu gọi châu Âu sử dụng nguồn khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ để đảm bảo an ninh năng lượng mà vẫn không phải phụ thuộc vào Nga.

Bất chấp sức ép, đến trước vụ việc của ông Navalny xảy ra, chính quyền Thủ tướng Merkel vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm