Email của cựu bộ trưởng bị hack, Anh nghi Nga can thiệp bầu cử

Các hacker Nga bị nghi ngờ đã tấn công và làm lộ tài liệu mật về các thỏa thuận thương mại giữa London và Washington trước khi cuộc bầu Nghị viện Anh diễn ra hồi tháng 12-2019, hãng tin Reuters cho hay.

Hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng những kẻ tấn công đã xâm nhập tài khoản thư điện tử (email) của cựu Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liam Fox nhiều lần trong thời gian từ ngày 12-7-2019 đến ngày 21-10-2019.

Các nguồn tin này không nói rõ tổ chức nào bị nghi ngờ đã tấn công thư điện tử của ông Fox nhưng nhận định rằng vụ tấn công có dấu hiệu là một hoạt động được chính phủ Nga hậu thuẫn.

Điện Kremlin và đại diện của ông Fox chưa đưa ra bình luận về thông tin này của Reuters

Cựu Bộ trưởng Ngoại thương Anh Liam Fox. Ảnh: THE INDEPENDENT

Theo Reuters, một phần trong số những tài liệu bị rò rỉ từ thư điện tử của ông Fox là sáu tập hồ sơ chi tiết về đàm phán thương mại Mỹ-Anh, bao gồm tài liệu về việc London muốn bán Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cho phía Washington.

Anh chưa chính thức công bố thông tin về thời gian tài khoản thư điện tử của ông Fox bị xâm nhập lần đầu tiên và liệu lúc đó, ông Fox có còn là Bộ trưởng Ngoại thương Anh hay không.

 Ông Fox nhậm chức Bộ trưởng Ngoại thương Anh năm 2016, dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May và bị ông Johnson cách chức hôm 24-7-2019.

Các thông tin bị đánh cắp bị một tài khoản ẩn danh lan truyền trên Internet và bị Công đảng Anh (đối lập) sử dụng để công kích đảng Bảo thủ trong giai đoạn nước rút trước cuộc bầu cử hôm 12-12-2019.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phủ nhận thông tin trên về NHS. Trong khi đó, truyền thông phương Tây cáo buộc đây là một chiến dịch lan truyền thông tin sai sự thật do Nga đứng sau.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận rằng London nghi ngờ "các chủ thể ở Nga" muốn can thiệp vào cuộc bầu cử ở Anh "thông qua việc lan truyền trên mạng các tài liệu của chính phủ bị chiếm đoạt bất hợp pháp và bị rò rỉ".

Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết "cuộc điều tra hình sự về cách các tài liệu bị chiếm đoạt vẫn đang diễn ra và việc bình luận sâu hơn về vấn đề này là không phù hợp".

Phía Nga bác bỏ cáo buộc của London, cho rằng Moscow không quan tâm và cũng không thiên vị bất kỳ chính đảng nào ở Anh.

Các nghi ngờ của ông Raab chỉ là một trong nhiều cáo buộc của các quốc gia phương Tây rằng Nga cố tình can thiệp bầu cử ở Mỹ, Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác.

Vào tháng 7, Nghị viện Anh đã công bố báo cáo về cáo buộc Nga cố tình tác động đến cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Scotland (năm 2014).

Báo cáo cũng cho biết London chưa thể đưa ra kết luận về việc liệu Moscow có can thiệp cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hồi năm 2016. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm