Hai cựu quan chức Mỹ sẽ làm chứng luận tội ông Trump

Trước đó, ngày 27-9, cựu đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Kurt Volker đã bất ngờ từ chức sau khi có tên trong danh sách tố cáo của "người tố giác bí mật" và bị nói rằng đã yêu cầu luật sư riêng của Tổng thống Trump, ông Rudy Giuliani, bàn bạc với quan chức Ukraine về những vấn đề liên quan đến gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Theo đó, vị cựu đặc phái viên này sẽ ra làm chứng trước Hạ viện Mỹ vào ngày 3-10 tới.

NBC nói rằng việc ông Volker từ chức có thể giúp ông được “tự do” nhiều hơn khi trình bày trước Hạ viện. 

Cựu đặc phái viên Kurt Volker và cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch (phải) sẽ ra làm chứng tại cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: AP

Cùng với ông Volker, cựu đại sứ Mỹ tại Ukriane Marie Yovanovitch - người bị cách chức hồi tháng 5, cũng sẽ tham gia cuộc làm chứng trước các ủy ban của Hạ viện vào ngày 11-10.

Cựu đại sứ Yovanovitch - người chỉ trích công tố viên Ukraine vì đã quá mềm mỏng trước điều tra tham nhũng, đã bất ngờ từ chức hồi tháng 5. Công tố viên bị bà Yovanovitch chỉ trích, ông Yuriy Lutsenko đã báo cáo với ông Giuliani rằng gia đình nhà Biden có một vài hành động sai trái khi còn đương chức.

Tổng thống Trump vô cùng giận dữ khi biết được tin ông Lutsenko sau đó bị cách chức. "Tôi nghe nói công tố viên bị đối xử rất tệ và anh ta là một công tố viên rất công bằng”, bản ghi âm cuộc gọi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng

Cũng trong ngày 1-10, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gửi một bức thư gửi tới đảng Dân chủ ở Hạ viện nhằm gây sức ép yêu cầu rút lại thẩm vấn đối với cựu quan chức và nhân viên hiện tại của Bộ Ngoại giao, trong đó có bà Yovanovitch và ông Volker.

"Tôi quan ngại đến các khía cạnh của trong yêu cầu của Hạ viện, chỉ có thể hiểu là một nỗ lực đe dọa, bắt nạt và đối xử không đúng mực với các chuyên gia xuất sắc của Bộ Ngoại giao", ông Pompeo viết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Hạ viện rút lại thẩm vấn đối với các cựu quan chức và nhân viên hiện tại của Bộ Ngoại giao. Ảnh: REUTERS

Ông Pompeo còn nhấn mạnh với Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Eliot Engel rằng: “Các quan chức trên sẽ không tham dự bất kỳ cuộc phỏng vấn hay làm chứng nào mà không có cố vấn điều hành để kiểm soát việc tiết lộ thông tin bí mật”.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định sẽ sử dụng tất cả các phương tiện để ngăn chặn và vạch trần mọi nỗ lực nhằm đe dọa các chuyên gia tận tụy tại Bộ Ngoại giao.

Trong khi đó, ông Engel và hai chủ tịch ủy ban khác thuộc phe Dân chủ đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc ông Pompeo đã “làm cản trở” cuộc điều tra luận tội. Ông Pompeo cũng bị gọi là “nhân chứng sống" của trong cuộc điều tra vì ông có nghe thấy cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và ông Zelenskiy hồi tháng 7, theo hãng tin Reuters.

"Ông nên chấm dứt việc dọa dẫm việc làm chứng của các cựu quan chức, mà thay vào đó nên tự bảo vệ mình và Tổng thống", ông Engel nói.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bất kỳ bình luận nào về sự việc trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm