Hải-không quân Mỹ lập mạng lưới chung đối phó Nga, Trung Quốc

Tư lệnh các chiến dịch hải quân Mỹ Michael Gilday ngày 5-12 cho biết hải quân và không quân Mỹ đang hợp nhất nỗ lực và có thể cả ngân sách để phát triển một mạng lưới hoàn toàn mới nối kết tất cả các đơn vị trong hai quân chủng đối phó kẻ thù.

“Chúng tôi sẽ nối kết các lực lượng và có lẽ cả ngân sách với nhau và bắt đầu làm việc về một giải pháp chung…” - Tư lệnh Gilday nói.

Mạng lưới này và công nghệ sẽ cho phép các đơn vị trong hai quân chủng giữ liên lạc với nhau, chia sẻ dữ liệu cảm biến về vị trí, di chuyển và hành động của các đối thủ tiềm tàng của Mỹ. Độ tin cậy của sự nối kết giữa các đơn vị sẽ được các thiết bị tự hành như máy bay không người lái, máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye hỗ trợ.

Mạng lưới và công nghệ mới được cho sẽ chẳng những cho phép Mỹ mở rộng hoạt động của lực lượng mình mà còn khiến hoạt động tình báo và do thám của kẻ thù khó khăn hơn.

Một khi nối kết qua mạng lưới mới này, thậm chí các lực lượng Mỹ bị phân tán cũng sẽ có thể phản ứng với một cuộc tấn công vào bất kỳ lực lượng nào của Mỹ, với các vũ khí tầm xa và công nghệ truy đuổi mục tiêu mà mạng lưới này trang bị.

Máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet bay trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ trên Đại Tây Dương. Ảnh: REUTERS

Máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet bay trên tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ trên Đại Tây Dương. Ảnh: REUTERS

Điều đáng chú ý Tư lệnh Gilday nói Mỹ nhận ra nhu cầu phải thành lập mạng lưới này vì các diễn biến gần đây trong hoạt động của quân đội Trung Quốc và quân đội Nga. Theo Tư lệnh Gilday, thiết kế hiện tại trong quân đội Mỹ vốn vẫn có sơ hở so với năng lực chiến tranh điện tử của hai nước Trung Quốc và Nga.

Theo Tư lệnh Gilday, mạng lưới và công nghệ mới dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động trong khoảng thời gian năm 2033-2035.

Tư lệnh Gilday so sánh dự án lập mạng lưới nối kết tất cả các đơn vị trong hai quân chủng hải quân và không quân Mỹ với dự án nổi tiếng “dự án Manhattan” về hoạt động của quân đội Mỹ với bom nguyên tử.

Dự án Manhattan là một trong những bước tiến thuộc hàng quan trọng nhất mà quân đội Mỹ đạt được trong thế kỷ 20, mang lại ưu thế cho Mỹ trong lĩnh vực bom nguyên tử trong nhiều năm.

Dự án mới lập mạng lưới nối kết tất cả đơn vị hải quân và không quân Mỹ cũng tham vọng không kém. Nhiều lãnh đạo quân đội Mỹ mong chờ dự án này có thể mang lại một lợi thế tương tự như lợi thế bom nguyên tử đã mang lại cho Mỹ trước đây.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), những năm qua Mỹ xác định cả Trung Quốc và Nga có thể là kẻ thù trong một cuộc xung đột tương lai và đã điều chỉnh các nỗ lực quân sự của mình theo đó, trong đó có phát triển vũ khí chuẩn bị cho chiến tranh.

Bên cạnh phát triển các vũ khí mới, Mỹ tích cực hơn trong việc tuần tra các khu vực gần Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông, cũng như tăng cường tập trận với các đồng minh NATO gần biên giới với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm