Hàng loạt nghị sĩ đối lập Hong Kong tuyên bố từ chức

Toàn bộ nghị sĩ đối lập Hong Kong hôm 11-11 đã tuyên bố từ chức để phản đối việc Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép chính quyền đặc khu bãi nhiệm nghị sĩ và cách chức bốn đồng nghiệp của họ sau đó.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Wu Chi-wa - người triệu tập khối ủng hộ dân chủ gồm 15 thành viên còn lại trong cơ quan lập pháp Hong Kong - gọi nghị quyết của quốc hội Trung Quốc là "lố lăng" và báo hiệu việc Bắc Kinh từ bỏ hoàn toàn Luật Cơ bản.

"Kể từ hôm nay, Hong Kong không còn có thể nói với thế giới rằng tồn tại mô hình 'một quốc gia, hai chế độ' ở Hong Kong nữa. Chúng tôi, từ phe ủng hộ dân chủ, sẽ sát cánh cùng những người bị bãi nhiệm. Chúng tôi sẽ từ chức hàng loạt" - ông Wu tuyên bố.

Bốn nghị sĩ đối lập Hong Kong bị bãi nhiệm. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Trước đó cùng ngày, quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Hong Kong truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp trong một số trường hợp nhất định, theo hãng tin Reuters.

Nghị quyết nêu rõ bất kỳ thông báo nào về việc truất quyền các nghị sĩ sẽ do chính quyền Hong Kong trực tiếp đưa ra, không cần thông qua tòa án thành phố.

Theo đó, nghị sĩ bị bãi nhiệm là những người được cho đã thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hong Kong, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền đối với Hong Kong, lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của thành phố hoặc có hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Vài phút sau khi nghị quyết được thông qua, bốn nghị sĩ đối lập lập tức bị bãi nhiệm gồm Alvin Yeung Ngok-kiu, Kwok Ka-ki và Dennis Kwok của đảng Dân sự, cùng Kenneth Leung của Hội Nhà nghề, khiến cuộc họp của Hội đồng Lập pháp bị đình chỉ. 

Những nghị sĩ này trước đó bị cấm tham gia bầu cử Hội đồng Lập pháp, trước khi các cuộc bỏ phiếu bị hoãn lại đến tháng 9-2021.

Sau khi nghe quyết định bãi nhiệm, bốn nghị sĩ rời khỏi phòng họp của Hội đồng Lập pháp và lên án quyết định này "vi phạm rõ ràng" Luật Cơ bản và quyền của họ về tham gia các vấn đề công.

"Nếu việc tuân thủ quy trình hợp lý và đấu tranh cho dân chủ có thể dẫn đến việc bị bãi nhiệm, thì đó sẽ là vinh dự của tôi" - ông Kwok nói, thêm rằng họ sẽ tham vấn đại diện pháp lý của mình trước khi quyết định có phản đối quyết định tại tòa án hay không.

Các nghị sĩ đối lập Hong Kong trong buổi họp báo tuyên bố từ chức hôm 11-11. Ảnh: REUTERS

Đây được xem như một đòn khác giáng vào phong trào ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, vốn đang bị đàn áp liên tục kể từ khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia vào đầu năm nay.

Nhà lập pháp Claudia Mo cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng "gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Hong Kong".

"Họ nghĩ rằng từ giờ trở đi, bất kỳ ai mà họ phát hiện có những quan điểm trái ngược về mặt chính trị hoặc không yêu nước, họ sẽ lật đổ người ấy. Chúng tôi quyết định từ chức, từ bỏ nhiệm kỳ này, nhưng chúng tôi không từ bỏ cuộc chiến cùng người dân Hong Kong" - bà Mo nói.

Các quốc gia khác trên thế giới đều lên án động thái này của chính quyền Bắc Kinh, Reuters cho biết.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab chỉ trích quyết định của Trung Quốc đã "thêm một đòn tấn công vào quyền dân chủ và tự do của Hong Kong".

“Một lần nữa, chính quyền Trung Quốc lại thể hiện sự thù địch của mình đối với quyền dân chủ và những người ủng hộ sự tự do ở Hong Kong” - cựu Thống đốc Hong Kong Chris Patten chia sẻ.

Bốn nghị sĩ đối lập Hong Kong bị bãi nhiệm phát biểu với báo chí ngày 11-11. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Bộ Ngoại giao Đức cũng bày tỏ niềm "quan ngại sâu sắc" về vụ lật đổ, nói rằng động thái này "làm suy yếu chủ nghĩa đa nguyên và tự do ngôn luận".

“Công dân Hong Kong có quyền bầu cử công bằng, cũng như các quyền tự do và các quyền được đảm bảo trong Luật Cơ bản” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức khẳng định.

Người này đồng thời kêu gọi chính quyền Hong Kong nhanh chóng ấn định một ngày mới để tổ chức cuộc bầu cử đã bị hoãn lại trước đó.

Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau đó lên tiếng bảo vệ nghị quyết mới cho phép chính quyền Hong Kong bãi nhiệm nghị sĩ trong cơ quan lập pháp, khẳng định đây là một hành động "hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và cần thiết".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh tin rằng đây là "biện pháp cần thiết để duy trì pháp quyền ở Hong Kong", Reuters đưa tin.

Chủ tịch quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết nghị quyết trên có lợi cho an ninh, chủ quyền và lợi ích phát triển của đất nước. Hai văn phòng giám sát các vấn đề Hong Kong của Bắc Kinh cũng tuyên bố kiên quyết ủng hộ nghị quyết mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm