Iran hạ thủy tàu ngầm nội địa hiện đại mang tên lửa hành trình

Iran ngày 17-2 đã cho ra mắt tàu ngầm nội địa Fateh (có nghĩa là người chinh phục), có khả năng chở và bắn tên lửa hành trình.

Lễ ra mắt và hạ thủy tàu Fateh diễn ra tại cảng Bandar Lengeh ở tỉnh Hormozgan miền Nam Iran, có sự tham dự của Tổng thống Hassan Rouhani và nhiều lãnh đạo cấp cao của chính phủ Iran.

Phát biểu trước hàng ngàn người tham dự lễ hạ thủy tàu Fateh, ông Rouhani nhấn mạnh đến sự đoàn kết đất nước, cần thiết phải ngăn ngừa sự chia rẽ, vì đó là mục tiêu của các kẻ thù.

Tàu ngầm hiện đại nhất của Iran

Fateh là mẫu tàu ngầm hiện đại nhất của hải quân Iran, cũng là loại tàu ngầm bán hạng nặng đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo, theo hãng tin Mehr.

Theo thông tin Merh thu thập được thì tàu Fateh nặng 600 tấn, được trang bị ngư lôi và mìn hải quân, có thể hoạt động ở độ sâu hơn 200m dưới mặt biển trong năm tuần.

Bên cạnh đó, hãng tin Tasnim cho biết tàu Fateh có thể trang bị một hệ thống tên lửa hành trình có khả năng phóng các tên lửa hành trình từ tàu ngầm, cùng một hệ thống radar sóng âm tiên tiến có thể nhận diện dễ dàng tàu đối phương.

“Tàu Fateh hoàn toàn là tàu tự chế nội địa được các chuyên gia công nghiệp quốc phòng thiết kế và phát triển, và được trang bị các công nghệ hiện đại thế giới”, Tasnim dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Amir Hatami, phát biểu ngày 16-2.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa, mang khăn choàng) và các lãnh đạo Iran cấp cao khác tham dự lễ hạ thủy tàu ngầm nội địa Fateh ở cảng Bander Abbas (Iran) ngày 17-2. Ảnh: AP

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (giữa, mang khăn choàng) và các lãnh đạo cấp cao tham dự lễ hạ thủy tàu ngầm nội địa Fateh ở cảng Bander Abbas  vào ngày 17-2. Ảnh: AP

Nhà báo quốc phòng Hossein Dalirian của hãng Tasnim cho biết tàu Fateh là một trong những dự án quan trọng nhất của quân đội Iran được thực hiện trong 40 năm qua.

Một nhà phân tích an ninh Iran đề nghị không nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề cho biết tàu Fateh có hệ thống phóng thẳng đứng. Theo chuyên gia này, đây là “một tin rất quan trọng” khi chỉ có một số ít quốc gia có được loại “hệ thống tiên tiến” này.

“Cộng với 4 ngư lôi, tàu Fateh có hệ thống bắn nhanh nhất”, nhà phân tích này nói.

Cụ thể, theo ông này, tàu Fateh có bốn tàu phóng ngư lôi, tám mìn hải quân, hai ngư lôi dự trữ, cùng với nhiều tên lửa hành trình.

Theo chuyên gia trên, quân đội Iran cũng đang có kế hoạch chế tạo các tàu ngầm nặng 1.300 tấn và 3.200 tấn.

Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi cho biết tàu ngầm Fateh sẽ thực hiện một chiến dịch ở biển Oman.

Là nhân tố ngăn chặn Mỹ

Iran bắt đầu sở hữu tàu ngầm từ 20 năm trước. Trước đây Iran từng mua 3 tàu ngầm từ Nga. Tuy nhiên vì độ sâu các vùng bờ biển Iran khá nông nên việc sử dụng các tàu này khá khó khăn. Từ thực tế này Hải quân Iran đã vào cuộc thiết kế và ra mắt dòng tàu ngầm của mình vào năm 2006, nhà phân tích trên cho biết.

Theo đài Al Jazeera, việc Iran công bố tàu ngầm nội địa Fateh giữa lúc căng thẳng với Mỹ đang dâng cao cũng như trùng thời điểm kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo là một bước thể hiện sức mạnh quân sự của mình.

Tham dự lễ hạ thủy tàu ngầm nội địa Fateh – tàu ngầm bán hạng nặng đầu tiên của Hải quân Iran được ra mắt ở cảng Bander Abbas (Iran) ngày 17-2. Ảnh: AP

Tàu ngầm Fateh sẽ thực hiện một chiến dịch ở biển Oman. Ảnh: AP

Theo nhà báo, nhà quan sát chính trị Maysam Bizar (Iran), dù Iran có “truyền thống lâu đời” là công bố thiết bị quân sự mới trùng thời điểm kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo, nhưng việc ra mắt tàu Fateh lại có ý nghĩa rất quan trọng.

“Chắc chắn có những thông điệp muốn chuyển tới thủ đô Washington”, nhà báo Bizar nói với Al Jazeera. Và thông điệp này theo ông là muốn Mỹ biết tàu Fateg sẽ là “một nhân tố ngăn chặn” mà Iran dùng để đối phó các tàu chiến Mỹ ở khu vực.

Mỹ và nhiều nước châu Âu thường xuyên cảnh báo chương trình tên lửa của Iran. Riêng Mỹ đặc biệt lo ngại tên lửa Iran có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Về phần mình, Iran nói rằng chương trình tên lửa của mình chỉ đơn thuần vì mục đích quốc phòng. Chương trình tên lửa Iran không nằm trong phạm vi chi phối của thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1. Chính vì lý do này mà Mỹ năm ngoái đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.

Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc cũng nói rằng Iran không theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân và vẫn tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, có một thực tế là từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đã tăng cường phát triển tên lửa. Thời gian gần đây, Iran đã nhiều lần ra mắt nhiều loại tên lửa mới.

Đầu tháng này, Iran thông báo đã thử thành công một tên lửa hành trình mới Hoveizeh có tầm bắn 1.350km. Vài ngày sau, Iran tiếp tục ra mắt tên lửa đất đối đất Dezful có tầm bắn 1.000km.

Mỹ dựa vào các hoạt động tên lửa của Iran gần đây nhằm thuyết phục Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc theo chân Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên cho đến nay các nước này vẫn không lay chuyển, với lý lẽ thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp các nước có thêm đòn bẩy ngoại giao nhằm thuyết phục Iran từ bỏ chương trình tên lửa hiệu quả hơn.

Tới lúc này Iran vẫn còn giữ giới hạn 2.000km đặt ra cho tầm bắn của các tên lửa mà nước này sản xuất. Với tầm xa này, tên lửa Iran có thể bắn tới các căn cứ quân sự của Israel và phương Tây ở Trung Đông, nhưng không đe dọa được lãnh thổ Mỹ.

Theo các chuyên gia, Iran cần phải có tên lửa có tầm bắn tới 10.000km mới chạm được đất Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm