LHQ báo động việc cảnh sát dùng bạo lực để kiểm soát phong tỏa

Người đứng đầu Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã bày tỏ quan ngại về hành động bạo lực của cảnh sát đối với người dân tại hàng chục quốc gia có ban bố tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.

"Tình trạng khẩn cấp đừng nên là vũ khí mà chính phủ các nước sử dụng để xử lý bất đồng chính kiến, kiểm soát người dân hay duy trì quyền lực” - lãnh đạo OHCHR Michelle Bachelet khẳng định trong một tuyên bố đưa ra hôm 27-4.

Bà Bachelet chỉ trích lực lượng cảnh sát một số quốc gia còn nổ súng, bắt và giam giữ người dân.

Lãnh đạo Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet trong một cuộc họp hồi tháng 2-2020. Ảnh: REUTERS

Theo OHCHR, hiện thế giới có khoảng 80 quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19, trong đó 15 nước được cho là "có nhiều vấn đề nhất".

Giám đốc phụ trách nhân quyền OHCHR - bà Georgette Gagnon, cho biết rằng ngoài 15 nước đó còn có “vài chục quốc qua khác mà chúng tôi cũng đang quan tâm”.

"Mối quan tâm của chúng tôi là "văn hóa phong tỏa độc hại" của một số nước mà ở đó cảnh sát và các lực lượng an ninh khác đang sử dụng các hành động quá mức, thậm chí gây chết người, để thực thi các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm” - bà Gagnon nói.

Nhiều quốc gia đã bắt và giam giữ hàng chục ngàn người vì vi phạm các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, theo bà Gagnon.

Chẳng hạn, tại Philippines đã có 120.000 người bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm của nước này trong 30 ngày qua.

Hay tại Kenya, bà Gagnon cho biết nhà chức trách nước này đang điều tra 20 trường hợp tử vong có liên quan đến hành vi của cảnh sát trong khi thực hiện các biện pháp giới nghiêm. Tổng thống Uhuru Kenyatta đã phải lên tiếng xin lỗi vì các hành động bạo lực của cảnh sát.

Trang thông tin của Liên Hiệp Quốc nói về "văn hóa phong tỏa độc hại" đang làm ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội ở một vài quốc gia. Ảnh: TWITTER

Ở Nam Phi, một số báo cáo gửi đến Liên Hiệp Quốc nói rằng cảnh sát nước này đã sử dụng đạn cao su, hơi cay, bom nước và roi da để ép buộc người dân thực hiện giãn cách xã hội. Bà Gagnon tiết lộ có tới 39 vụ khiếu nại về các hành vi giết người, hiếp dâm, sử dụng vũ khí lửa và tham nhũng trong đội ngũ cảnh sát. Các hành vi này đang được điều tra.

Còn tại Nigeria, OHCHR đã nhận được thông tin nói rằng các lực lượng an ninh đã có những hành động khiến 18 người thiệt mạng vì được cho là vi phạm các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Trong khi đó, chính quyền Nigeria nói rằng những cái chết đó là do bạo lực trong nhà tù.

Bên cạnh đó, bà Gagnon cũng nêu lên quan ngại về việc cảnh sát "vòi tiền" ở một số nước châu Phi.

"Những người không có tiền để hối lộ hay những người nghèo đều bị đưa đến các trung tâm cách ly bắt buộc, dù không có bằng chứng cho thấy họ tiếp xúc với người dương tính với COVID-19” - bà Gagnon nói.

Khi được hỏi một số vấn đề có liên quan đến Trung Quốc trong thông tin về đại dịch COVID-19, bà Gagnon cho biết OHCHR đang liên lạc với Bắc Kinh để giải quyết, theo Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm