LHQ gây áp lực với Nga việc hỗ trợ xuyên biên giới cho Syria

Hãng tin AFP cho biết Liên Hợp Quốc (LHQ) và nhiều quốc gia khác hôm 23-6 đã gây áp lực kêu gọi Nga đồng ý tiếp tục gia hạn các hoạt động hỗ trợ xuyên biên giới và tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân tỉnh Idlib ở Syria.

"Tôi mạnh mẽ kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) đạt được sự đồng thuận về việc cho phép các hoạt động hỗ trợ xuyên biên giới được tiếp tục thêm một năm nữa" - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói trước HĐBA.

Các cuộc đàm phán đã được khởi động do Ireland và Na Uy, hai thành viên không thường trực của HĐBA, đưa ra và cần được bỏ phiếu trước ngày 10-7.

"Việc HĐBA không gia hạn hoạt động nhân đạo này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Người dân Syria đang rất cần được giúp đỡ và điều cần thiết là phải huy động tất cả nguồn lực của chúng ta" - ông Guterres nói thêm.

Lực lượng quân đội Nga tuần tra trên đường cao tốc M4 ở tỉnh Hasakeh, phía đông bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22-2-2020. Ảnh: AFP

Trong một bức thư gửi cho Tổng thư ký Guterres và HĐBA LHQ cùng ngày, khoảng 30 quốc gia đã kêu gọi tiếp tục gia hạn hoạt động hỗ trợ xuyên biên giới cho Syria.

"Đây là một việc rất quan trọng để đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trực tiếp và liên tục cho tất cả người dân Syria" - 30 quốc gia nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng "việc loại bỏ cơ chế xuyên biên giới sẽ làm tê liệt cuộc sống của hàng triệu người dân Syria”.

Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua tại Syria đã khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đẩy quốc gia này rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. 

Việc gia hạn hỗ trợ xuyên biên giới Syria sẽ cho phép các nước phương Tây tiếp tục các hoạt động nhân đạo trợ giúp cho khoảng 3 đến 4 triệu người dân Syria sống ở khu vực Idlib.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AFP

Kể từ đầu năm nay, đồng minh của Syria là Nga đã thể hiện rõ sự phản đối của mình đối với việc gia hạn hoạt động hỗ trợ xuyên biên giới và theo một số nhà ngoại giao, Nga có thể sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết của mình về vấn đề này.

Nga cho rằng có thể thay thế hoạt động trên bằng cách chuyển viện trợ qua tiền tuyến từ Damascus.

Tuy nhiên, LHQ và các quốc gia phương Tây đã bác bỏ điều này, nhấn mạnh hoạt động viện trợ xuyên biên giới là một lựa chọn tin cậy duy nhất và dòng hàng viện trợ nhân đạo sẽ đối mặt với nhiều cản trở nếu Damascus kiểm soát.

Trước đó, vào năm 2020, Nga đã liên tục sử dụng quyền phủ quyết của mình nhằm cắt giảm đáng kể số lượng các cửa khẩu biên giới từ bốn xuống còn một, AFP đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm