LHQ quyết định mở cuộc điều tra về xung đột Israel-Hamas

Theo hãng tin Reuters, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 27-5 đã nhất trí mở cuộc điều tra về các vi phạm xung quanh cuộc xung đột kéo dài 11 ngày ở Dải Gaza giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel trong tháng này.

Được thông qua với 24/47 quốc gia thành viên đồng thuận, nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ thúc đẩy cuộc điều tra với mức độ chưa từng thấy về hành vi sai phạm "có hệ thống" ở Dải Gaza, Bờ Tây và cả ở Israel, cũng như "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột Trung Đông suốt nhiều thập niên qua.

Dự thảo nghị quyết, do Pakistan thay mặt Tổ chức Hợp tác Hồi giáo trình bày, đã được tranh luận trong phiên họp đặc biệt kéo dài một ngày của Hội đồng Nhân quyền LHQ, tập trung vào tình trạng gia tăng bạo lực chết người giữa Israel và người Palestine vừa qua.

Người dân sống ở Dải Gaza ngồi gần đống đổ nát của ngôi nhà của họ bị các cuộc không kích của Israel phá hủy, ngày 23-5. Ảnh: REUTERS

Vào đầu phiên họp, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về "mức độ thương vong cao" từ các cuộc tấn công ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo những cuộc không kích của Israel "có thể cấu thành tội ác chiến tranh". 

“Bất chấp tuyên bố của Israel cho rằng nhiều tòa nhà ở Dải Gaza là nơi che giấu các nhóm vũ trang hoặc được sử dụng cho mục đích quân sự, chúng tôi chưa thấy bằng chứng về vấn đề này” - bà Bachelet nói.

Cao ủy Nhân quyền LHQ nhận định thêm rằng các vụ tấn công bừa bãi bằng rocket của Hamas cũng đã "vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế", Reuters đưa tin.

Hưởng ứng quyết định mở một cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền, Bộ Ngoại giao Palestine cho biết việc này "phản ánh quyết tâm của cộng đồng quốc tế hướng tới trách nhiệm giải trình, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền của người Palestine".

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cảnh báo những cuộc không kích của Israel "có thể cấu thành tội ác chiến tranh". Ảnh: AP

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel khẳng định lực lượng quân đội của họ đã hành động "phù hợp với luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ công dân khỏi các cuộc tấn công tên lửa bừa bãi của Hamas".

Chính quyền Tel Aviv cũng bác bỏ nghị quyết và tuyên bố sẽ không hợp tác. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích nghị quyết trên là "đáng xấu hổ".

"Quyết định đáng xấu hổ hôm nay là một ví dụ khác cho thấy nỗi ám ảnh chống Israel rõ ràng của Hội đồng Nhân quyền LHQ" - ông Netanyahu nói, cáo buộc tổ chức của LHQ đang tẩy trắng “hành vi diệt chủng của một tổ chức khủng bố".

Phản hồi lại, đại diện phong trào Hồi giáo Hamas gọi hành động của mình là "sự phản kháng chính đáng" và kêu gọi các quốc gia tiến hành "các bước trừng phạt ngay lập tức" Israel, Reuters cho hay.

Người dân sử dụng xe máy xúc để tìm kiếm những vật có giá trị trong đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy trong cuộc không kích giữa Hamas và Israel, vào ngày 27-5. Ảnh: AP

Đồng minh chính của Israel, Mỹ, cho biết họ vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Hội đồng Nhân quyền và tuyên bố không bỏ phiếu. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu bị chia rẽ khi Áo, Anh và Đức bỏ phiếu chống, còn Pháp và Hà Lan bỏ phiếu trắng.

Trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 21-5, các cuộc không kích và nã pháo của Israel vào Dải Gaza đã khiến 254 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em, và làm bị thương hơn 1.900 người trong suốt 11 ngày xung đột.

Ngược lại, hàng ngàn quả rocket và hỏa lực khác từ Dải Gaza cũng đã làm thiệt mạng 12 người ở Israel, trong đó có một trẻ em và một thiếu niên người Israel gốc Arab. Khoảng 357 người ở Israel bị thương trong cuộc xung đột.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm