Liên Hợp Quốc: Vũ khí tấn công Saudi Arabia 'có xuất xứ Iran'

Liên Hợp Quốc (LHQ) xác nhận các vũ khí "có xuất xứ Iran" đã tấn công các cơ sở lọc dầu và sân bay ở Saudi Arabia trong năm 2019, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 11-6, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) rằng các loại vũ khí được dùng để tấn công Saudi Arabia trong năm 2019 và các lô vũ khí mà Mỹ thu giữ trên biển Ả Rập cùng "có xuất xứ Iran".

Theo Reuters, phái đoàn Iran tại LHQ chưa có bình luận sau thông báo của ông Guterres. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Trong năm 2019, nhiều vị trí ở Saudi Arabia đã bị tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái, bao gồm một cơ sở lọc dầu tại TP Afif (tháng 5), sân bay quốc tế Abha (tháng 6) và các cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq của công ty Aramco (tháng 9).

Ông Guterres cho biết LHQ đã kiểm tra mảnh vỡ vũ khí thu được sau các vụ tấn công này và "Ban Thư ký LHQ đánh giá các tên lửa hành trình và/hoặc các bộ phận của tên lửa được dùng trong bốn đợt tấn công trên là sản phẩm có xuất xứ Iran".

Ngoài ra, các máy bay không người lái được dùng trong hai vụ tấn công Saudi Arabia trong tháng 5-2019 và tháng 9-2019 cũng "có xuất xứ Iran" - ông Guterres nói thêm.

LHQ cũng nhận thấy các vũ khí bị Mỹ thu giữ trên biển Ả Rập hồi cuối tháng 11-2019 và giữa tháng 2-2020 "giống hệt hoặc tương tự" những vũ khí đã được dùng để tấn công Saudi Arabia. Washington nghi ngờ những vũ khí này do Iran "thiết kế và chế tạo".

Ông Guterres cho biết một số vũ khí Mỹ thu được có các đặc điểm thiết kế tương tự những vũ khí do một công ty Iran sản xuất, hoặc có các dấu hiệu bằng chữ Ba Tư - ngôn ngữ chính thức của Iran.

Tổng Thư ký LHQ cho biết những vũ khí này có thể đã được chuyển giao cho các lực lượng thân Tehran trái với quy định tại nghị quyết năm 2015 của HĐBA về vấn đề Iran - cấm các hoạt động được coi là có khả năng phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.

Tuy nhiên, phái đoàn Iran tại LHQ hôm 22-5 đã gửi thư cho ông Guterres, cho biết Tehran "không có chính sách xuất khẩu vũ khí vi phạm các lệnh cấm vận của HĐBA" và "sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với LHQ về vấn đề này".

Mỹ đang đề xuất một nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí chống Iran, song Nga và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phủ quyết dự thảo này. Nếu nỗ lực của Mỹ thất bại, lệnh cấm vận trên sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới.

Trước các diễn biến mới liên quan tới Iran, ông Guterres "kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tránh sử dụng những từ ngữ và hành động khiêu khích và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của khu vực". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm