Lực lượng tuần duyên Mỹ tăng hiện diện tại biển Đông

Những tuần gần đây, cùng với Hải quân Mỹ, Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kiềm chế tham vọng của Trung Quốc và mở rộng phạm vi tiếp cận của Mỹ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trước bối cảnh một sự thay đổi chính sách cũng có thể tạo ra căng thẳng mới trong khu vực, Mỹ phải đánh giá chiến lược của mình trước việc Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự đến biển Đông một cách tinh vi hơn. 

Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy lực lượng USCG. Ảnh: NYT

USCG đã nhanh chóng gia tăng các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực, nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích theo "chiến lược vùng xám" của Trung Quốc.

"Vẫn có những cuộc thảo luận đang được tiến hành và những hành động đang được lên kế hoạch" để hỗ trợ hoạt động của Hạm đội Ấn Độ - Thái Bình Dương ở biển Đông, Đô đốc Karl Leo Schultz - chỉ huy USCG - nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông cũng nhắc lại yêu cầu phải xây dựng năng lực hợp tác giữa các đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Về phần mình, nước Mỹ đang "tập trung mạnh mẽ hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng trong việc xây dựng một cách tiếp cận khu vực".

Dựa vào chiến lược "chiến tranh nhân dân trên biển", Trung Quốc đang thực hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng việc hiện đại hóa nhanh chóng hải quân thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN) và sử dụng các tàu tuần duyên và tàu cá có vũ trang - thường được gọi là lực lượng dân quân biển - để chiếm ưu thế trong vùng biển tranh chấp.

Hồi đầu năm nay, Washington đã cảnh báo về việc Trung Quốc triển khai "chiến lược vùng xám", để lực lượng tuần duyên và lực lượng dân quân biển thực hiện những hành động gây hấn nghiêm trọng nhưng lại không thể trực tiếp dẫn đến chiến tranh. 
Từ năm ngoái, USCG đã gia tăng hiện diện trong khu vực khi tham gia các hoạt động tự do hàng hải cùng với hải quân ở eo biển Đài Loan.
Hơn nữa, USCG còn thường xuyên triển khai và mở rộng các hoạt động trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm việc triển khai ba tàu tuần duyên ở đảo Guam và tăng cường tập trận chung với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Tháng 10 vừa qua, tàu tuần duyên USCGC Joseph Gerczak (WPC-1126) và tàu Walnut (WLB-205) đã tiến hành một nhiệm vụ chung với tàu HMNZS Otago của Hải quân Hoàng gia New Zealand, tàu HMAS Choules của Hải quân Hoàng gia Úc và các đối tác khác ở nam Thái Bình Dương.
Cũng trong tháng 10, các tàu USCG đã tham gia một cuộc diễn tập ba bên giữa Mỹ - Nhật Bản - Philippines mang tên Sama-Sama ở vùng biển Đông Nam Á.
Lầu Năm Góc tuyên bố các cuộc diễn tập này hướng tới việc thúc đẩy hợp tác an ninh trong khu vực, duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác hàng hải và tăng cường khả năng tương tác trên biển giữa các bên.
Lực lượng USCG cũng giúp đỡ các đối tác và đồng minh trong khu vực xây dựng và cải thiện năng lực tuần duyên. Tiêu biểu, Mỹ cam kết bàn giao tàu USCG Morgenthau (WEC-722) đã ngừng hoạt động và 24 tàu khác thuộc nhóm tàu tuần tra Metal Shark cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Lãnh đạo USCG cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn: "Đối mặt với hành vi ngang ngược và cưỡng ép của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, USCG đã đề xuất tham gia và hợp tác minh bạch với tất cả đối tác ở cấp độ chuyên gia và cấp độ cá nhân" - Đô đốc Shultz nói trong thời gian tập trận Sama-Sama ở Philippines.
Khi được hỏi về nguy cơ từ việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể đang chiếm đóng trái phép trên biển Đông, vị đô đốc cho biết: "Chúng tôi coi những đảo nhân tạo được xây dựng trên các thực thể vốn không phải là đảo, các đường băng, các tên lửa chống hạm và các trang bị quân sự khác ở đó là không phù hợp với tuyên bố hòa bình của Trung Quốc". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm