Mỹ có thể đưa lính từ Đức qua Thái Bình Dương

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien vừa  đề xuất nước này nên điều một số lượng binh sĩ từ Đức sang các căn cứ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hãng tin Sputnik cho hay.

Trong bài viết trên báo Wall Street Journal ngày 21-6, Cố vấn O'Brien cho rằng "việc đóng quân theo kiểu chiến tranh lạnh" tại các quốc gia như Đức "phần nào đã lỗi thời". Ông đề xuất các đơn vị quân đội ở châu Âu nên được điều đến các căn cứ của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặt trận đối đầu với Trung Quốc. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải, áo đen) chụp hình cùng các binh sĩ Mỹ ở căn cứ Ramstein (Đức) năm 2018. Ảnh: REUTERS

"Hàng ngàn quân có thể sẽ được tái bố trí ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Guam, Hawaii, Alaska và Nhật, cũng như triển khai ở những nơi như Úc" - ông O'Brien viết.

"Ở chiến trường này, Mỹ và các đồng minh đang đối mặt với thách thức địa chính trị đáng kể nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc" - Cố vấn Nhà Trắng giải thích.

Dù ủng hộ việc rút quân khỏi Đức, ông O'Brien khẳng định binh sĩ Mỹ vẫn nên tiếp tục hiện diện tại các quốc gia châu Âu khác để phòng ngừa các trường hợp căng thẳng mới với Nga.

Bên cạnh vấn đề quân Mỹ đồn trú, ông O'Brien cũng chỉ trích Berlin về quan hệ hợp tác với Moscow trong dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) và việc chưa cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia chương tình 5G ở Đức.

Từ năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra tầm nhìn chiến lược mới, lưu ý rằng Lầu Năm Góc phải chuyển hướng từ cuộc chiến chống khủng bố sang "cạnh tranh nước lớn" với Nga và Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh là mối đe dọa chính đối với Washington trong thế kỷ 21.

Bài bình luận của ông O'Brien xuất hiện sau khi chính quyền Washington thông báo kế hoạch rút 9.500 quân khỏi Đức. Theo thông tin ban đầu, số binh sĩ này sẽ được chuyển đến các căn cứ khác của Mỹ ở châu Âu và một phần được rút hẳn về nước.

 Các nghị sĩ Đức phản đối kế hoạch này và chỉ trích Washington đã đơn phương ra quyết định.

Chuyên gia Robert Dujarric thuộc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại (Đại học Temple, Nhật) bình luận rằng "việc Mỹ rút quân khỏi Đức không liên quan gì tới việc hỗ trợ phòng thủ ở châu Á: ông Trump có vấn đề với NATO", theo trang tin quân sự Stars & Stripes.

Ông Dujarric cho rằng đề xuất rút quân khỏi Đức là một ý tưởng tồi, thể hiện quan điểm của ông Trump chống lại NATO và một số thể chế khác mà vị tổng thống này cho là "chống lại Mỹ". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm