Mỹ đã có người nhiễm virus Vũ Hán, vội vàng nghiên cứu vaccine

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận với báo chí Mỹ có ca nhiễm đầu tiên, hãng tin Reuters cho biết.

Người đàn ông này ở TP Seattle, bang Washington, trong độ tuổi 30, đã nhập viện ngày 21-1.

Ca nhiễm từ Vũ Hán sang, vaccine phải cả năm mới có

Người này từ Vũ Hán sang Mỹ ngày 15-1. Trong thời gian ở Vũ Hán người này không hề ghé bất kỳ khu chợ nào trong TP. Virus Vũ Hán được cho xuất phát từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, hay tiếp xúc bất kỳ ai đã được xác định nhiễm virus Vũ Hán.

“Anh ấy nói mình không hề gặp bất kỳ ai trong khu chợ liên quan và không hề biết bất kỳ ai nhiễm bệnh. Anh ấy chỉ di chuyển đến nơi đó” – quan chức y tế địa phương Chris Bitters cho biết.

Xét nghiệm virus Vũ Hán ở Mỹ ngày 21-1. Ảnh: REUTERS

Xét nghiệm virus Vũ Hán ở Mỹ ngày 21-1. Ảnh: REUTERS

Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định nhưng vẫn phải nằm viện điều trị, theo dõi.

CDC cho rằng rủi ro với cộng đồng từ ca nhiễm này là “thấp” vì người này nhập viện sớm và rất hợp tác với nhà chức trách y tế.

“Tôi biết ơn việc người bị xét nghiệm dương tính với virus này đã tìm đến điều trị rất nhanh. Nhờ đó chúng tôi có thể cách ly anh ấy khỏi cộng đồng… Tất cả điều này đồng nghĩa chúng ta tin rủi ro với cộng đồng là thấp” – ông John Wiesman, Bộ trưởng Y tế bang Washington, nói.

Tuy nhiên, theo bà Nancy Messonnier – Giám đốc Trung tâm Các bệnh về hô hấp và miễn dịch Quốc gia thuộc CDC cho rằng tới đây Mỹ khó tránh khỏi các ca nhiễm mới.

CDC nâng mức cảnh báo di chuyển y tế với Trung Quốc từ mức 1 sang mức 2, bà Messonnier cho biết.

Ngày 21-1, thêm một số sân bay quốc tế ở Mỹ (các sân bay O’Hare ở Chicago, Hartsfield-Jackson ở Atlanta) thông báo sẽ bắt đầu tầm soát virus với hành khách. Tuần trước ba sân bay quốc tế ở New York, San Francisco, Los Angeles cũng đã cho tầm soát hành khách từ Trung Quốc sang.

Tại Mỹ, Viện Y tế Quốc gia nước này đã bắt tay nghiên cứu bào chế một loại vaccine chống lại virus Vũ Hán, theo SCMP. Nhưng quá trình nghiên cứu có thể không nhanh, phải mất ít nhất vào tháng mới tới giai đoạn thử nghiệm và có thể sẽ mất hơn một năm để vaccine có thể đưa vào sử dụng.

Nhiều nhà khoa học ở Texas, New York (Mỹ) và ở Trung Quốc cũng đang nghiên cứu sáng chế vaccine.

Trung Quốc 6 người chết

Trong khi đó số người chết do nhiễm virus Vũ Hán tại Trung Quốc tăng nhanh rất đáng ngại, lên sáu người tính tới tối 21-1, theo tin từ kênh Channel News Asia. Sáu nạn nhân đều ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) – nơi được cho là điểm xuất phát của virus này.

Số ca nhiễm tăng lên 324 ca, tăng thêm hơn 100 ca mới chỉ trong một ngày, phần lớn cũng ở Vũ Hán. Trong số các trường hợp nhiễm tại Vũ Hán có 15 nhân viên y tế, một người trong tình trạng nguy kịch.

Dịch đã lan ra nhiều địa phương khác ở Trung Quốc, như Bắc Kinh (năm ca nhiễm), Quảng Đông (14 ca nhiễm), Thượng Hải (hai ca nhiễm), TP Thiên Tân, tỉnh Chiết Giang… Các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Sơn Đông đều thông báo có ca nghi nhiễm.

Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán, tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 20-1. Ảnh: REUTERS

Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán, tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 20-1. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Trường ĐH Hong Kong (HKU) cho rằng dịch nghiêm trọng hơn nhiều so với con số thông báo chính thức. ĐH Hong Kong sử dụng dữ liệu đi lại để tính toán mức độ lây lan và ước tính có tới 1.343 người bị nhiễm ở Vũ Hán. Chưa hết dịch đã lan tới 20 TP khác của Trung Quốc, với tổng cộng 116 người nhiễm.

Lãnh thổ Đài Loan có một ca nhiễm. Đài Loan đã lập một trung tâm chỉ huy phản ứng với dịch với hơn 1.000 giường chuẩn bị cách ly các ca nhiễm trong trường hợp dịch phát tán rộng hơn.

Hong Kong cách ly 118 ca nghi nhiễm và đã cho 88 người được xác định không nhiễm về nhà.

Giáo sư Gabriel Leung (trái) và Giáo sư Joseph Wu Tsz-kei làm việc tại trường đại học Hong Kong giải thích về mức độ lây lan của virus Vũ Hán. Ảnh: SCMP

GS Gabriel Leung (trái) và GS Joseph Wu Tsz-kei làm việc tại Trường ĐH Hong Kong giải thích về mức độ lây lan của virus Vũ Hán. Ảnh: SCMP

Dịch đã lan ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc: Thái Lan (2 ca nhiễm), Nhật (1 ca nhiễm), Hàn Quốc (1 ca nhiễm). Tất cả đều từ Vũ Hán qua.

Ông Tập chỉ đạo phải quyết liệt ngăn dịch

Từ ngày 20-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo phải có “các nỗ lực quyết liệt kìm hãm đà lây lan” virus Vũ Hán.

Mẹ con mang khẩu trang trên đường phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 21-1. Ảnh: REUTERS

Mẹ con mang khẩu trang trên đường phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 21-1. Ảnh: REUTERS

Chính quyền TP Vũ Hán đang rất nỗ lực khống chế dịch với hàng loạt biện pháp, như tăng tầm soát ở sân bay, tăng triển khai đo nhiệt độ người ở các nơi công cộng, hủy mọi sự kiện mừng năm mới. Các công ty du lịch bị cấm đưa người ra khỏi Vũ Hán.

Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện hình ảnh từng hàng dài người xếp hàng chở mua khẩu trang. Thượng Hải ra lệnh cấm đầu cơ khẩu trang hay các sản phẩm chống dịch.

WHO cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Dịch xảy ra trong bối cảnh người dân Trung Quốc và châu Á đang trong một đợt di chuyển lớn mừng tết cổ truyền. Tình hình này khiến lo ngại về nguy cơ lây lan dịch càng nhiều hơn.

Dịch xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: EPA

Dịch xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: EPA

Nhiều người dân Trung Quốc dù đã sắp lịch đi du lịch nhưng quyết định thay đổi, ở nhà cho an toàn.

“Chúng tôi sẽ ở nhà suốt mùa tết. Tôi sợ vì tôi còn nhớ nạn dịch SARS rất rõ” - bà Zhang Xinyuan nói. Bà đã mua vé cho cả gia đình từ Bắc Kinh đi du lịch Phuket (Thái Lan) mùa tết này nhưng rồi quyết định hủy.

Người dân đeo khẩu trang bên ngoài nhà ga tàu lửa Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 20-1. Ảnh: SCMP

Người dân đeo khẩu trang bên ngoài nhà ga tàu lửa Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 20-1. Ảnh: SCMP

Riêng Vũ Hán đã nối kết với hàng chục điểm đến nước ngoài. Bắc Kinh và Thượng Hải còn nhiều hơn, nối kết với cả hàng trăm điểm đến nước ngoài. Hiện các sân bay khắp châu Á, Mỹ, Úc tăng cường tầm soát người đến từ Trung Quốc, đặc biệt từ Vũ Hán.

Điều đáng ngại, theo ông Takeshi Kasai – Giám đốc khu vực của WHO chi nhánh tây Thái Bình Dương, “thông tin về các ca nhiễm mới cho thấy có thể có khả năng người nhiễm qua người”.

Nhà khoa học Zhong Nanshan tại Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cảnh báo người không đến Vũ Hán vẫn có thể bị nhiễm virus này. Ông Zhang là người đã góp phần công khai quy mô dịch SARS ra thế giới.

Bảo vệ đeo khẩu trang tại nhà ga xe lửa Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Bảo vệ đeo khẩu trang tại nhà ga xe lửa Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi họp khẩn vào ngày 22-1 cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đến thời điểm này WHO vẫn chưa ra cảnh báo hạn chế thương mại hay đi lại. Nhưng các biện pháp này có thể sẽ được bàn trong phiên họp ngày 22-1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm