Mỹ đóng băng tài khoản 1 tỉ USD của quân đội Myanmar

Chính quyền Mỹ hôm 4-3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ Myanmar và đóng băng tài khoản trị giá một tỉ USD của chính quyền quân sự nước này.

Ngoài Bộ Quốc phòng và Nội vụ Myanmar, hai tập đoàn liên kết với quân đội nước này là tập đoàn kinh tế Myanmar (MEC) và MEHL cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại do có liên quan đến vụ chính biến hôm 1-2.

Theo đó, những biện pháp này nhằm hạn chế quân đội và lực lượng an ninh Myanmar tiếp cận một số loại hình hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.

Xe bọc thép của quân đội Myanmar trên đường phố sau khi quân đội giành được chính quyền trong cuộc chính biến ở Mandalay, ngày 3-2. Ảnh: REUTERS

Việc chính quyền Washington đưa Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Myanmar vào danh sách đen thương mại sẽ buộc các nhà cung cấp Mỹ phải xin loại giấy phép đặc biệt mới được bán hàng cho hai cơ quan và hai công ty nói trên.

Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ không cho phép quân đội Myanmar tiếp tục hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều mặt hàng của nước này: "Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách để đảm bảo những ai liên quan đến cuộc chính biến phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.

Tuy nhiên, các biện pháp này dự kiến sẽ có tác động khá nhỏ do hàng năm, Mỹ vận chuyển rất ít hàng hóa đến Myanmar và các công ty, tập đoàn ở nước này cũng không phải là nhà nhập khẩu lớn của Mỹ.

Chính vì vậy, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm rằng họ đang xem xét các lệnh trừng phạt tiềm năng khác.

Người dân Myanmar xuống đường biểu tình đòi trả tự do cho bà Suu Kyi và những nhà lãnh đạo khác. Ảnh: REUTERS

Động thái của Mỹ nhằm đáp trả việc quân đội Myanmar tăng cường đàn áp những người biểu tình ôn hòa, những người phản đối cuộc chính biến lật đổ các quan chức được bầu, bao gồm cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ vào tháng 11-2020.

Cảnh sát Myanmar đã ngăn chặn các cuộc biểu tình bằng hơi cay và sử dụng cả đạn thật ở một số thành phố. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng tại các cuộc biểu tình, với hơn 1.700 người bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Trước đó, vào tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh trừng phạt 10 quan chức quân sự hàng đầu Myanmar bị cho là chịu trách nhiệm cho cuộc chính biến, gồm Thống tướng Min Aung Hlaing, cấp phó Soe Win, cùng bốn thành viên khác thuộc Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar.

Nhà lãnh đạo quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, phát biểu hôm 8-2. Ảnh: MRTV

Cùng ngày, hãng Reuters đưa tin quân đội Myanmar đã cố chuyển khoảng một tỷ USD, vốn bị phong tỏa tại Ngân hàng Dự trữ liên bang New York vài ngày sau cuộc chiến biến, khiến các quan chức Mỹ lập tức đóng băng khoản tiền này.

Giao dịch rút tiền trên được thực hiện hôm 4-2 dưới danh nghĩa Ngân hàng Trung ương Myanmar nhưng đã bị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngăn chặn.

Chính quyền Mỹ đã đình chỉ giao dịch cho đến khi Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp cho phép họ có thẩm quyền chặn giao dịch này vô thời hạn.

Cả FED, Bộ Tài chính Mỹ và cả phía chính quyền quân sự Mianmar hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về sự việc trên.

Vụ việc xảy ra sau khi quân đội Myanmar bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới và bắt giữ hàng loạt quan chức dân sự. Động thái này được cho là nhằm hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế sau khi xảy ra cuộc chính biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm