Mỹ ra đòn buộc thay đổi hành vi, Thổ Nhĩ Kỳ phản pháo

“Một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng” - Thổ Nhĩ Kỳ nói sau khi Ủy ban Thượng viện Mỹ bỏ phiếu áp trừng phạt nước này xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và cuộc chiến ở Syria.

Theo kênh Al-Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-12 lên án các thượng nghị sĩ Mỹ sau khi họ ủng hộ dự luật áp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì việc nước này mở chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria và mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Với tỉ lệ 18 phiếu thuận/4 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa dẫn đầu đã bỏ phiếu thông qua “Đạo luật Tăng cường an ninh quốc gia Mỹ và ngăn sự trỗi dậy của IS 2019”.

Đây là động thái mới nhất nhằm thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mô tả những sáng kiến mới nhất của Quốc hội Mỹ “biểu hiện mới của sự thiếu tôn trọng đối với các quyết định chủ quyền liên quan tới an ninh quốc gia của họ”.

“Những sáng kiến này không có bất kỳ chức năng nào ngoài làm tổn hại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ” - Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố, yêu cầu Quốc hội Mỹ hành động theo lẽ phải.

Thổ Nhĩ Kỳ không được miễn trừ trừng phạt trước những kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, bất chấp việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây thăm Nhà Trắng.

Ông Erdogan trước đó thề trả đũa nếu Mỹ áp trừng phạt quanh thương vụ S-400 với Nga, đồng thời tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ không ảnh hưởng việc nước này triển khai hệ thống của Nga.

“Có thể hiểu rằng các thành viên của Quốc hội Mỹ đã nhắm mắt, bịt tai trước sự thật” - người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nói.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menende là nhà tài trợ chính cho dự luật.

“Giờ là lúc Thượng viện gặp nhau và nắm lấy cơ hội này thay đổi hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Risch nói.

“Đây không phải cuộc xung đột nhỏ với nước này. Đây là sự trôi dạt của nước này, Thổ Nhĩ Kỳ, để đi theo một hướng hoàn toàn khác so với họ trong quá khứ. Họ đã thiếu tôn trọng chúng tôi và với các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” - ông nói.

Một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác Rand Paul đã phản đối các lệnh trừng phạt. Ông Paul cho rằng dự luật sẽ làm suy yếu quyền lực của tổng thống và có thể khiến việc đàm phán với ông Erdogan khó khăn hơn về các vấn đề như việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa và cuộc chiến ở Syria.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán bàn giao tổ hợp S-400 thứ hai

Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị lắp đặt toàn bộ hệ thống S-400 trong mùa xuân năm 2020 trong khi nhà sản xuất Nga đang đẩy mạnh ký một thỏa thuận thứ hai với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó yêu cầu chuyển giao công nghệ và sản xuất chung.

Hệ thống S-400 của Nga khiến NATO lo ngại. Ảnh: REUTERS

Theo tờ Daily Sabah, nhà chức trách hữu quan của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đàm phán với các đối tác Nga để ký bàn giao tổ hợp S-400 thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 11-12 xác nhận. Ông Akar nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có tiêu chí nhất định liên quan tới chia sẻ công nghệ.

Ông Alexander Mikheev, người đứng đầu Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, trong một cuộc phỏng vấn gần đây của hãng tin RIA cho hay Nga hy vọng ký một thỏa thuận cung cấp thêm hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong nửa đầu năm tới.

Tổ hợp S-400 đầu tiên được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 và một tổ hợp như vậy gồm hai khẩu đội, ông Akar cho biết.  Việc chuyển giao khẩu đội S-400 đầu tiên hoàn tất ngày 25-7, khẩu đội thứ hai bắt đầu hôm 27-8 và diễn ra gần một tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm