Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán Triều Tiên về vấn đề hạt nhân

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cũng phải sẵn sàng các biện pháp xử lý mọi hành động khiêu khích nếu có, đặc phái viên Mỹ tại LHQ cho biết vào ngày 11-12 vừa rồi, theo hãng tin Reuters.

15 nước thành viên của HĐBA đã có một cuộc họp theo yêu cầu của Mỹ sau thông tin Triều Tiên có thể tiếp tục dự án thử tên lửa hạt nhân tầm xa, khiến cho mối lo ngại của các quốc gia trên thế giới gia tăng.

Dự án thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đã được dừng lại từ năm 2017, là kết quả của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington.

“Mỹ vẫn sẵn sàng cho các hành động song song và cụ thể đối với thỏa thuận giữa 2 nước. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để tiếp cận vấn đề này”, Đại sứ Mỹ Kelly Craft cho biết. 

“Và chúng tôi nhận thấy, việc có một thỏa thuận công bằng để giải quyết mối quan tâm của tất cả các bên là rất cần thiết”, bà Kelly nói thêm.

Bà cũng cho rằng Triều Tiên cần phải sẵn sàng đưa ra “những quyết định tuy khó khăn, nhưng cần thiết” để có thể tiến xa hơn với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra thời hạn cho Tổng thống Trump đến cuối năm nay phải thể hiện được sự linh hoạt trong thỏa thuận giữa hai bên, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song tuyên bố.

Triều Tiên đã quyết định dừng lại các thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa hai nước trong tuần rồi.

Ông Trump sau đó đã cảnh báo rằng ông Kim có nguy cơ mất tất cả mọi thứnếu ông vẫn tiếp tục giữ thái độ thù địch, Triều Tiên bắt buộc phải chấm dứt các chương trình hạt nhân của mình. 

Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6-2018, nhưng tương lai cho một thỏa thuận phi hạt nhân hóa vẫn chưa thực sự khả quan.

Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft tại bữa ăn trưa cho các đại sứ của Hội đồng Bảo an LHQ ở Nhà Trắng ngày 5-12-2019. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Mỹ cũng khuyến khích HĐBA phải sẵn sàng có những bước đi “phù hợp”, nếu xảy ra những “hành vi khiêu khích nghiêm trọng” từ phía Triều Tiên.

“Thực tế, Triều Tiên có thể phóng các thiết bị vũ trụ bằng công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa, hoặc thậm chí là những đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vốn được thiết kế để tấn công Mỹ”, bà Craft nói.

Các đồng minh của Triều Tiên, như Trung Quốc và Nga, lâu nay cho rằng HĐBA nên có "phần thưởng" cho Bình Nhưỡng, sau hành động cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa vào năm 2018 của ông Kim.

Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của LHQ kể từ năm 2006 về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết hôm 11-12 rằng HĐBA cần giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nếu muốn hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho biết các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là không thể chấp nhận được.

Ông cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ không thể thành công cho đến khi “Bình Nhưỡng được đồng ý và bảo đam các điều kiện về lợi ích trong tương lai của nước này”.

“Sẽ rất khó để bạn bắt người khác đồng ý làm một việc gì đó nếu không có lợi ích thu về”, ông Nebenzia nói. “Việc vạch ra một lộ trình cụ thể để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt là rất cần thiết”.

Tuy nhiên, Đại sứ Pháp ở LHQ Nicolas de Riviere cho rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối vối Triều Tiên là không khả thi với tình hình hiện tại. 

Đại sứ Anh Karen Pierce cũng đồng tình với lời khẳng định của ông Riviere.

Ít nhất tám thành viên của HĐBA đã kêu gọi cuộc họp về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên trước các động thái khiêu khích nghiêm trọng và mối đe dọa đang leo thang của quốc gia này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm