Mỹ trừng phạt tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar

Mỹ ngày 10-12 áp đặt trừng phạt lên bốn lãnh đạo cấp cao quân đội Myanmar, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, theo tin từ hãng Reuters.

Ngoài Thống tướng Min Aung Hlaing, ba lãnh đạo quân đội bị trừng phạt khác là Phó Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Soe Win và hai tướng lục quân khác từng dẫn đầu chiến dịch quân sự ở bang Rakhine (tây Myanmar) liên quan đến người Rohingya.

Thống Tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar vừa bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: AFP

Thống tướng Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar vừa bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: AFP

Trong thông báo ngày 10-12, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc quân đội Myanmar đã có những “lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng” dưới sự chỉ huy của Thống tướng Min Aung Hlaing. Bộ này nói các lệnh trừng phạt mới nhằm hỗ trợ quá trình tiến tới dân chủ ở Myanmar, sau khi bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2015.

Theo lệnh trừng phạt, tài sản của bốn lãnh đạo quân đội Myanmar tại Mỹ sẽ bị phong tỏa. Công dân Mỹ bị cấm giao dịch tài chính với bốn nhân vật này. Trước đó vào tháng 7, Mỹ ra lệnh cấm bốn lãnh đạo này vào Mỹ.

Đại sứ Myanmar tại Mỹ chưa bình luận về lệnh trừng phạt mới của Washington.

Đây là đợt trừng phạt hà khắc nhất mà Mỹ áp đặt lên Myanmar liên quan đến vấn đề cộng đồng người Hồi giáo Rohingya và một số cộng đồng thiểu số khác ở Myanmar.

Ngày Mỹ áp đặt trừng phạt lên bốn lãnh đạo quân đội Myanmar cũng là ngày bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước Myanmar bắt đầu ra điều trần trước Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở The Hague (Hà Lan) liên quan vấn đề người Hồi giáo Rohingya và một số cộng đồng thiểu số khác ở nước này. Cuộc điều trần kéo dài ba ngày.

Bà Aung San Suu Kyi tham gia điều trần tại Tòa án Công lý Quốc tế LHQ ở The Hague (Hà Lan) ngày 10-12, liên quan vấn đề người Hồi giáo Rohingya. Ảnh: AFP

Bà Aung San Suu Kyi tham gia điều trần tại Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở The Hague (Hà Lan) ngày 10-12, liên quan vấn đề người Hồi giáo Rohingya. Ảnh: AFP

Tháng 8-2017, quân đội Myanmar thực hiện chiến dịch truy quét các phần tử nổi dậy tại bang Rakhine, sau khi phiến quân tấn công một số chốt an ninh tại bang này. Xung đột đã khiến hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya rời Myanmar sang nước láng giềng Bangladesh.

Các nhà điều tra LHQ cáo buộc quân đội Myanmar phạm các tội giết người hàng loạt, cưỡng hiếp, phóng hỏa, hành hình với “ý định diệt chủng”. Chính phủ Myanmar bác bỏ các cáo buộc này, giải thích hành động của quân đội là một phần của cuộc chiến chống khủng bố.

Tháng 3 năm nay, quân đội Myanmar thông báo đã thành lập một tòa án binh để điều tra hành động của quân đội nước này, vốn bị cho là trấn áp người thiểu số Rohingya, nhằm làm sáng tỏ các cáo buộc của LHQ và các tổ chức nhân quyền như Ân xá quốc tế (AI), Giám sát nhân quyền (HRW).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm