Nga: Dự án Nord Stream 2 sẽ đứng vững bất chấp vụ ông Navalny

Nga khẳng định dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (tức "Dòng chảy phương Bắc" 2) sẽ tiếp tục được triển khai bất chấp việc phương Tây đe dọa trừng phạt Moscow vì vụ việc liên quan tới nhân vật đối lập Alexei Navalny, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Ngày 16-9, chia sẻ trong một video trên kênh Youtube "Soloviev LIVE", Đại diện thường trực Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov thể hiện niềm tin rằng dự án này "sẽ đứng vững, mặc dù không loại trừ sự chậm trễ đôi chút".

Ông Chizhov lưu ý rằng đường ống Nord Stream 2 không thực sự là vấn đề chung của EU. Thành quả ở dự án này như hiện tại là kết quả của "quan điểm tích cực của chính phủ Đức và lợi ích khách quan của Đức" - nhà ngoại giao Nga nói. 

Đại diện thường trực Nga tại Liên minh châu Âu - ông Vladimir Chizhov. Ảnh: TASS

Nord Stream 2 là dự án đường ống dẫn khí đầy tham vọng của Moscow và Berlin, kết nối nguồn cung khí nhiên liệu dồi dào ở Nga với thị trường rộng lớn ở Đức và Tây Âu.

Mỹ cáo buộc Nord Stream 2 sẽ làm châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga và tìm cách trừng phạt các bên liên quan tới dự án này. Tuy nhiên, Đức vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch của mình.

Báo Die Zeit (Đức) cho biết vào đầu tháng 8, chính quyền Berlin đã nói với Washington rằng Đức có thể chi 1 tỉ EURO (khoảng 1,2 tỉ USD) đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Theo Die Zeit, với đề nghị này, Đức muốn thuyết phục Mỹ không trừng phạt dự án Nord Stream 2.

Cũng liên quan tới cáo buộc liên quan tới ông Navalny, ông Chizhov phát biểu tối 16-9 trên Kênh truyền hình số 1 Nga (Pervyy Kanal) rằng các quan chức châu Âu đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về tác động tiêu cực của cáo buộc đối với một loạt chương trình hợp tác với Nga-EU.

Ông Chizhov nhắc lại rằng Moscow đã kêu gọi hợp tác thông qua các kênh chính thức và qua Văn phòng Tổng Công tố Nga. Tuy nhiên, Nga nhận thấy EU đã phớt lờ đề nghị này và tiến hành điều tra độc lập.

Trước đó, Phái đoàn Nga tại EU hôm 15-9 đã gửi cho châu Âu danh sách chín yêu cầu để EU làm rõ những điểm mà Moscow cho là "mâu thuẫn" trong chính cáo buộc liên quan tới ông Navalny.

Các tranh cãi mới nhất liên quan tới ông Navalny bắt đầu xuất hiện từ ngày 20-8, khi nhân vật đối lập này phải nhập viện khẩn cấp ở TP Omsk (vùng Siberia của Nga) với triệu chứng nghi là ngộ độc.

Ngày 22-8, ông Navalny được đưa sang Đức điều trị. Đến ngày 2-9, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng chính trị gia Nga đã bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok.

Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc, trong khi các đồng minh của Berlin ở EU và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe dọa trừng phạt với lý do nghi Moscow sử dụng vũ khí hóa học.

Ngày 15-9, ông Navalny đã tỉnh và chia sẻ trên Twitter về kế hoạch trở về Nga. Chính quyền Moscow không phản đối ý định của chính trị gia đối lập. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm