Nga sẽ làm điều tương tự nếu Mỹ phát triển tên lửa hạt nhân

Hãng tin Reuters nói rằng hôm 5-8, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho các bộ Quốc phòng, Ngoại giao cũng như cơ quan tình báo nước ngoài của Nga giám sát chặt chẽ từng bước đi của Mỹ trong việc phát triển, sản xuất hoặc triển khai tên lửa bị cấm khi hiệp ước INF không còn tồn tại.

“Nếu Nga có được thông tin đáng tin cậy rằng phía Mỹ đã hoàn thành việc phát triển các hệ thống này và bắt đầu sản xuất tên lửa hạt nhân thì Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia toàn diện và mọi nỗ lực để phát triển các tên lửa tương tự” - ông Putin nói.

Giới chức Mỹ nói rằng vài tháng nữa sẽ thử nghiệm phóng tên lửa tầm trung của nước này. Theo đó, hệ thống tên lửa này sẽ đóng vai trò đối trọng với Nga.

Vì thế, Tổng thống Putin đã đưa ra cảnh báo sau cuộc họp với Hội đồng An ninh Nga để thảo luận về động thái của Mỹ rằng việc này sẽ làm suy yếu một trụ cột chính của kiểm soát vũ khí quốc tế.

Tổng thống Putin thảo luận về động thái phát triển tên lửa hạt nhân mới của Mỹ với quan chức Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và tình báo. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ông Putin cho biết kho vũ khí tên lửa phóng từ mặt đất và trên biển của Nga cùng với việc phát triển tên lửa siêu thanh của nước này được sử dụng và sẵn sàng trả đũa cho các mối đe dọa từ Mỹ.

Ông Putin nói rằng điều đó rất cần thiết cho Moscow và Washington để nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn những “cuộc đua vũ trang không giới hạn” có thể nổ ra, theo Reuters.

“Để tránh sự hỗn loạn mà không có quy định, hạn chế hay luật pháp, chúng ta cần một lần nữa cân nhắc tất cả hậu quả nguy hiểm và khởi động một cuộc đối thoại nghiêm túc và đầy ý nghĩa mà không có bất kỳ nghi ngờ, mơ hồ nào” -Reuters dẫn lời ông Putrin nói.

Hãng tin Reuters dẫn tin từ quan chức giấu tên của Mỹ rằng Nga đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình trên khắp đất nước này, bao gồm miền tây nước Nga có khả năng tấn công vào các mục tiêu quan trọng của châu Âu. Hành động này vi phạm hiệp ước, vốn không còn tồn tại.

Phía Nga phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng phạm vi tên lửa nằm ngoài hiệp ước và từ chối yêu cầu của Mỹ phá hủy tên lửa mới Novator 9M729, còn được NATO gọi SSC-8.

Hôm 2-8, Mỹ chính thức rời bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân trung gian (INF) với Nga vì cho rằng Moscow vi phạm hiệp ước, cũng như đã triển khai một loại tên lửa bị cấm. Điện Kremlin luôn lên tiếng phủ nhận việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm