Nghiên cứu: Giọt bắn COVID-19 có thể đi xa hơn 2m đã đề nghị

Một nghiên cứu của Canada cho thấy một cơn ho có thể khiến các giọt bắn bay xa 2 m trong vòng chưa đến 3 giây và có thể xa hơn. Điều này cho thấy khoảng cách an toàn mà các chuyên gia khuyến cáo để hạn chế lây nhiễm COVID-19 có thể không hoàn toàn hiệu quả, báo South China Morning Post đưa tin.

Một cơn ho có thể khiến giọt bắn bay xa 2 m trong vòng chưa đến 3 giây. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Giáo sư Eric Savory chuyên ngành kỹ thuật cơ khí và vật liệu tại ĐH Western, Ontario (Canada) đã nghiên cứu đường di chuyển của những giọt bắn từ người bị cúm mùa vào năm 2017 và 2018 để hiểu rõ hơn những điều kiện môi trường ảnh hưởng tới quá trình lây nhiễm. Nghiên cứu của ông từng được công bố trên tạp chí Indoor Air và bây giờ vẫn có thể áp dụng cho dịch COVID-19. 

Nếu được, hãy giữ khoảng cách xa hơn 2 m

Năm 2018, ông Savory tạo ra "buồng ho" nhằm tiến hành 77 thí nghiệm với 58 đối tượng khác nhau, trong đó có 21 người bị cúm và 12 người mắc bệnh hô hấp hoặc virus theo mùa, theo trang Technologynetworks.

Thiết kế "buồng ho" của giáo sư Savory. Ảnh: WESTERN UNIVERSITY

Buồng ho là một khối khép kín 2 m có lỗ và điểm tì cằm ở một đầu để tình nguyện viên ho qua đó. Giáo sư Savory sử dụng camera tốc độ cao và đèn laser để xác định vận tốc của giọt bắn. Sau đó, ông theo dõi chuyển động của những hạt này khi không khí lưu thông. Ở tốc độ tối đa quan sát giữa buồng, tốc độ của giọt bắn lên tới 1,2 m/giây.

"Các giọt bắn vẫn phát tán khá nhanh ngay cả ở khoảng cách an toàn theo khuyến cáo. Không có lý do thực sự logic để kết luận khoảng cách 2 m là an toàn nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với 1 m hoặc thấp hơn. Chúng tôi không khẳng định bạn sẽ nhiễm bệnh. Chúng tôi chỉ nêu nguy cơ. Tất nhiên, nguy cơ giảm khi bạn đứng xa hơn" - ông Savory giải thích. 

Nếu bạn ở cách người ho không che miệng 2 m, trong vòng khoảng 3 giây, những giọt bắn sẽ đến chỗ bạn và tiếp tục di chuyển xa hơn. 

“Dù bạn đứng xa đến 2,5 m, dòng không khí của cơn ho có thể di chuyển thêm với tốc độ 0,2 m/giây và những giọt nước rất mịn này sẽ treo trong không khí khá lâu, có khi đến 4 giây” - giáo sư Savory nói.

Mang khẩu trang để ngăn giọt bắn

Nghiên cứu khác của Mỹ do tạp chí y học New England (Mỹ) công bố đã cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa số lượng giọt bắn và khoảng cách di chuyển của chúng giữa một người che miệng và không che.

Khi bạn che miệng bằng một miếng vải ẩm, gần như không có giọt bắn nào được phát tán ra ngoài. Ngược lại, bạn có thể tạo ra gần 350 giọt bắn khi nói chuyện mà không che miệng. Điều này cho thấy việc đeo khẩu trang có thể hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Một bé gái mang khẩu trang tham gia một sự kiện tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19 tại thị trấn Maarat Masrin ở phía bắc Idlib (Syria). Ảnh: REUTERS

Các nhà nghiên cứu tại Trường y khoa thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng nhận thấy giọt bắn có thể di chuyển khoảng 5-7,5 cm trước khi nó bị chặn lại vì một miếng vải mỏng. Khi nói chuyện với âm lượng thấp, thì số giọt bắn được tạo ra khoảng 230 giọt. Một số âm thanh đặc biệt như “th” trong chữ “healthy cũng có thể tạo nhiều giọt bắn hơn.

“Trong khi các giọt bắn lớn rơi xuống đất, các hạt nhỏ có thể bị mất nước và tồn tại dưới dạng hạt “droplet nuclei”,  được hiểu là những hạt nhân nhỏ trong không khí, từ đó nó có thể hoạt động như khí dung và phát tán trong phạm vi rộng hơn" - các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết.

Trước đó, ông Tom Frieden - cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), hiện là ủy viên của Sở Y tế TP New York nói rằng việc đeo khẩu trang có thể làm giảm tối thiểu lượng giọt bắn vào môi trường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói rằng virus SARS-CoV-2 chủ yếu được lây truyền qua giọt bắn và tiếp xúc. Việc tiếp xúc ở đây có thể hiểu là người lành tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp bằng việc chạm vào các bề mặt trong môi trường đã có virus.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm