Người biểu tình Thái Lan: Quyết buộc Thủ tướng Prayut ra đi

Lực lượng biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan tiếp tục gây áp lực lên Thủ tướng Prayut Chan-ocha vì không thực hiện theo lời kêu gọi từ chức do phe biểu tình đưa ra, hãng tin Reuters cho hay.

Theo "tối hậu thư" của thủ lĩnh phe biểu tình Patsaravalee "Mind" Tanakitvibulpon, 10 giờ tối 24-10 là hạn cuối để ông Prayut từ chức. Tuy nhiên, ông Prayut đã tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ "không ra đi".

Ngay trong tối 24-10, anh Jatupat “Pai” Boonpattararaksa - một thủ lĩnh khác của phong trào biểu tình - cho biết nhóm của anh sẽ tiếp tục tuần hành trong hai ngày 25-10 và 26-10 để buộc Thủ tướng Prayut phải từ chức. 

Anh Jatupat “Pai” Boonpattararaksa - một thủ lĩnh của phong trào biểu tình sinh viên ở Thái Lan. Ảnh: REUTERS

Trước mắt, ba ưu tiên hàng đầu của nhóm biểu tình sinh viên ở Thái Lan là ông Prayut từ chức, sửa đổi hiến pháp và hạn chế quyền lực của hoàng gia, theo hãng tin AFP.

"Ông Prayut chính là vấn đề, là trở ngại đầu tiên mà chúng tôi cần loại bỏ. Nếu ông ấy không từ chức, chúng tôi buộc phải đứng ra để yêu cầu ông ấy ra đi một cách hòa bình" - anh Jatupat nói.

Cũng trong tối 24-10, một nhóm biểu tình chống chính phủ cho biết họ sẽ tập trung trước đại sứ quán Đức tại Bangkok trong ngày 26-10.

Đây được coi là thông điệp phản đối việc nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn (tức vua Rama X) dành phần lớn thời gian ở Đức. Mãi đến tuần trước, vua Rama X mới về nước để làm các nghi lễ kỷ niệm 4 năm ngày mất của cố vương Rama IX.

Trong ngày 25-10, hàng ngàn người Thái đã tập trung ở khu vực trung tâm thủ đô Bangkok và hô to khẩu hiệu đòi ông Prayut từ chức.

Theo hãng tin Channel News Asia, giới chức Bangkok đã không điều nhiều cảnh sát tới giao lộ Ratchaprasong. Giao lộ này được chú ý vì là một "khu vực nhạy cảm" trong phong trào biểu tình chống chính phủ vào năm 2010.

Một quan chức đại diện cho chính quyền Bangkok cho biết họ sẽ không sử dụng lực lượng cảnh sát chống lại người biểu tình, đồng thời, kêu gọi người dân tôn trọng pháp luật và hành xử một cách hòa bình.

Phong trào biểu tình ở Thái Lan đã kéo dài từ tháng 7. Từ ngày 15-10 đến ngày 22-10, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok.

Hiện nay, những người biểu tình ở Thái Lan không phải là một khối đoàn kết mà bao gồm nhiều nhóm nhỏ, trong đó mạnh mẽ và đông đảo nhất là nhóm do lực lượng sinh viên lãnh đạo.

Những diễn biến này khiến nền kinh tế Thái Lan phải đối mặt với những thách thức mới, có nguy cơ làm trầm trọng thêm những khó khăn mà đại dịch COVID-19 đã gây ra ở nước này.

Giới phân tích cho năm trong năm 2020, quy mô nền kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm mạnh hơn cả mức 7,6% của năm 1998 - năm suy thoái nghiêm trọng nhất trong cuộc khủng hoảng tiền tệ cuối thế kỷ XX. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm