Ông Erdogan dọa mở cửa cho người tị nạn Syria tràn qua châu Âu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22-12 tuyên bố nước này sẽ không thể xử lý nổi một làn sóng người tị nạn mới từ Syria qua, hãng Reuters đưa tin.

Ông Erdogan cảnh báo các nước châu Âu sẽ phải chịu ảnh hưởng từ làn sóng người tị nạn Syria nếu tình trạng bạo lực ở tây bắc Syria không được chấm dứt.

Nước có lượng người tị nạn đông nhất thế giới

Từ khi xung đột Syria nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước có lượng người tị nạn đông nhất thế giới khi đón tới khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria đổ sang.

Thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ đang lo sẽ có thêm một làn sóng người tị nạn nữa từ Syria kéo sang. Tỉnh Idlib (Syria) giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có 3 triệu dân đang sống - là cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy và đang diễn ra giao tranh lớn với quân chính phủ Syria và Nga.

Các lực lượng Syria và Nga những tháng qua tăng cường ném bom các mục tiêu ở tỉnh Idlib. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết đã có hàng trăm người thiệt mạng ở tỉnh Idlib trong năm nay vì nhiều vụ giao tranh trong khu vực dân cư.

Trong ngày 22-12, hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết có khoảng 205.000 người ở tỉnh Idlib phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 11 vì giao tranh.

Giao tranh những tháng qua đã khiến một lượng lớn dân Syria kéo chạy khỏi tỉnh Idlib sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại một sự kiện ở TP Istanbul tối 22-12, Tổng thống Erdogan cho biết đã có hơn 80.000 người Syria trong làn sóng tị nạn mới này di chuyển từ tỉnh Idlib sang Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu bạo lực với người dân ở tỉnh Idlib không chấm dứt, con số này thậm chí sẽ còn tăng nữa. Trong trường hợp đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tự chịu gánh nặng di cư này một mình” - ông Erdogan tuyên bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo nước này sẽ không thể xử lý nổi một làn sóng người tị nạn mới từ Syria qua. Ảnh: REUTERS

“Hậu quả tiêu cực từ áp lực chúng tôi phải chịu sẽ là điều tất cả nước châu Âu, đặc biệt Hy Lạp cũng sẽ phải cảm nhận” - ông Erdogan cảnh báo.

Trước đó ông Erdogan từng đe dọa sẽ “mở cửa” cho người tị nạn tràn sang châu Âu trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ có thêm sự hỗ trợ từ châu Âu để chăm lo cho số người tị nạn này.

Kế hoạch đưa 1 triệu người Syria về nước

Dù cảnh báo viễn cảnh lặp lại một cuộc khủng hoảng di cư như hồi năm 2015 nhưng ông Erdogan cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang làm hết sức có thể để ngăn phía Nga đánh bom vào tỉnh Idlib.

Một trong những động thái này là ngày 23-12 một phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang Moscow để bàn về Syria với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế với kế hoạch sắp xếp đưa 1 triệu người Syria đang tị nạn ở nước mình trở về đông bắc Syria.

Lý do Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân hòa bình đánh vào đông bắc Syria hồi tháng 10 là để đẩy lùi lực lượng dân quân người Kurd, lập một vùng an toàn đưa người tị nạn Syria trở về.

Người tị nạn Syria hướng về biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: INFOMIGRANTS

Tuy nhiên, tới thời điểm này Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nhận được nhiều sự ủng hộ cho kế hoạch này, chưa kể chiến dịch đánh lực lượng dân quân người Kurd còn bị nhiều đồng minh lên án, trong đó có Mỹ và một số nước châu Âu.

“Chúng tôi kêu gọi các nước châu Âu sử dụng năng lượng của mình để chấm dứt thảm sát ở Idlib, hơn là cố gắng cô lập Thổ Nhĩ Kỳ với các bước đi hợp pháp mà chúng tôi thực hiện ở Syria” - ông Erdogan nói ngày 22-12.

Ý ông Erdogan muốn nói đến ba chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ở Syria trong vài năm qua, gồm Lá chắn sông Euphrates (24-8-2016), Nhành ô liu (24-3-2018) và Mùa xuân hòa bình (9-10-2019).

Tuần trước, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã mở một diễn đàn người tị nạn toàn cầu và cho biết đã quyên góp được hơn 3 tỉ USD hỗ trợ những đối tượng này. Tuy nhiên, ông Erdogan - người có tham gia diễn đàn - cho rằng con số này là không đủ.

Nga và Syria sẽ đưa quân tới vùng đông bắc Syria
Nga và Syria sẽ đưa quân tới vùng đông bắc Syria
(PLO)- Cảnh sát quân sự Nga và quân nhân Syria sẽ được triển khai tới phía đông bắc Syria, trong khi chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ở một khu vực hạn chế.                             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm