Ông Gorbachev nói về 'mối quan hệ ở mức tồi tệ' giữa Mỹ-Nga

Ông Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, ngày hôm nay có lẽ được nhớ đến là người có vai trò then chốt trong những sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và nước Đức thống nhất.

Vài tuần sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã gặp nhau tại Malta, biển Địa Trung Hải. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã cố thấu hiểu và tìm cách kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ George H.W. Bush khi đó gặp nhau năm 1989 để bàn về những tín hiệu của việc chính thức kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ảnh: CNN

“Nhìn xem chúng ta lo lắng như thế nào” - ông Gorbachev nói với ông Bush khi đó.

“Chúng tôi bị sốc bởi sự biến chuyển quá nhanh chóng đang bày ra” - ông Bush nói.

30 năm sau, một số vấn đề hàng đầu được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Malta vẫn mang đến một âm vang lớn đặc biệt - kiểm soát vũ khí, Afghanistan và khó khăn trong việc xây dựng lòng tin giữa Moscow và Washington.

Lúc ông Gorbachev ngồi trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ở Moscow thì cũng là lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến thăm bất ngờ và bí mật tới quân đội Mỹ ở Afghanistan, nơi ông Trump đã thông báo các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban đã tái khởi động.

Giống như Liên Xô 30 năm về trước, Mỹ đang cố dàn xếp một lối thoát khỏi Afghanistan, đồng thời đảm bảo rằng chính quyền trung ương ở Kabul không sụp đổ.

Trở lại năm 1989, Mỹ và Liên Xô ở hai phía đối nghịch nhau của cuộc xung đột, với Washington ủng hộ các chiến binh lực lượng Hồi giáo thánh chiến ở Afghanistan (mujahideen) đang cố lật đổ chính phủ của Tổng thống Afghanistan Mohammad Najibullah được Liên Xô hậu thuẫn. Nhưng chỉ hai năm sau đó, Liên Xô tan rã và nguồn viện trợ cho chính phủ Kabul cạn kiệt và chính phủ ông Najibullah sụp đổ.

Nga bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan cuối những năm 1980. Ảnh: CNN

Khi được hỏi có thể rút ra được bài học gì từ sự rút quân của Liên Xô, ông Gorbachev nói: “Họ phải được rút đi. Đó là bài học chính. Các bạn biết đấy, nó giống như một que diêm được đốt lên thì lửa lan rộng. Và những cuộc đụng độ này, khi các quốc gia hàng đầu lớn nhất trong cuộc xung đột ngày một can thiệp sâu hơn thì nguy hiểm hơn cho tất cả quốc gia”.

Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ xảy ra sau một thời khắc quan trọng khác: Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí này cũng đã bị xé bỏ trong năm nay, sau khi Mỹ chính thức rút khỏi và chính phủ Nga cùng ngày tuyên bố hiệp ước đã chết.

Khi được hỏi về sự sụp đổ của Hiệp ước INF mà ông và Tổng thống Mỹ lúc đó Ronald Reagan đã ký, ông Gorbachev bày tỏ hy vọng những thỏa thuận kiểm soát vũ khí như vậy có thể được hồi sinh.

“Tất cả thỏa thuận để ở đó, được bảo lưu và không bị phá hủy. Những đây là những bước đi đầu tiên để tiêu diệt những thứ lẽ ra không nên bị phá hủy trong bất cứ trường hợp nào. Vì vậy, nếu con đường này đi xa hơn thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Điều này không được phép xảy ra”.

Cựu lãnh đạo Liên Xô nói thêm mục tiêu cuối cùng của kiểm soát vũ khí phải là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, điều đó dường như là khả năng xa vời, do sự mất niềm tin đã quá lâu giữa Moscow và Washington. Mối quan hệ Mỹ-Nga hiện giờ đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, song ông Gorbachev hy vọng rằng hai nước có thể tìm ra cách ngăn chặn một cuộc “chiến tranh nóng” trong tương lai.

Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: GETTY

“Tôi nghĩ điều này nên được tránh. Thật tốt khi trên toàn thế giới có cuộc đối thoại và mọi người đang nói chuyện, mọi người đang phản ứng và đây là điều quan trọng nhất” - ông Gorbachev nói khi được hỏi liệu thế giới có phải đang bước vào kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm của sự cạnh tranh đa cực giữa các quốc gia hay không.

“Các nhà diễn thuyết và các chính trị gia, mọi người đều hiểu rằng điều này, Chiến tranh Lạnh mới, không được phép xảy ra. Đây có thể là một cuộc chiến tranh nóng, nghĩa là sự phá hủy toàn bộ nền văn minh của chúng ta. Điều này không được phép xảy ra” - ông nói.

Ông Gorbachev là chủ đề của bộ phim tài liệu “Gặp gỡ Gorbachev” của nhà làm phim người Đức Werner Herzog, dự kiến phát hành rộng rãi ở Nga vào ngày 5-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm