Ông Putin: Phương Tây sẽ hối hận nếu vượt lằn ranh đỏ của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây không được vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow và cho biết giới hạn này sẽ được xác định tùy thuộc vào từng quốc gia riêng lẻ, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Liên bang Nga ngày 21-4, ông Putin tuyên bố cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Nga là duy trì hòa bình và an ninh, cũng như đảm bảo sự thịnh vượng của người dân và sự phát triển ổn định của đất nước.

Ông Putin nhấn mạnh Nga có lợi ích riêng và sẽ kiên quyết bảo vệ lập trường và lợi ích của mình trước những nước mà ông cho là "miễn cưỡng", "kiêu ngạo và ích kỷ" khi đối thoại với Moscow.

Ông Putin nhấn mạnh nước Nga "có sự kiên nhẫn, trách nhiệm, chuyên nghiệp và tự tin vào bản thân và sự đúng đắn của mình, cũng như có lương tri khi đưa ra bất kỳ quyết định nào".

"Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng không ai quyết định vượt qua cái gọi là lằn ranh đỏ trong quan hệ với Nga. Và chúng tôi sẽ tự xác định những lằn ranh đỏ đó trong từng trường hợp riêng lẻ" - ông Putin nói tiếp. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang trước lưỡng viện Quốc hội Liên bang Nga hôm 21-4. Ảnh: SPUTNIK

Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng Nga muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên tham gia các liên kết toàn cầu. Ông Putin lưu ý rằng Moscow có thiện chí hữu nghị với cả những nước mà ông mô tả "một cách lịch sự" là đã "thất bại" trong quan hệ với Nga.

Dù vậy, ông Putin cảnh báo rằng Moscow sẽ khiến bất kỳ nước nào cố gắng thực hiện bất kỳ động thái khiêu khích nào chống lại Nga phải vô cùng hối hận vì hành vi của mình.

Ông Putin nhấn mạnh rằng nếu "ý tốt" khi Nga cố gắng giữ lại cơ hội cứu vãn quan hệ bị coi là "sự bàng quan hay yếu kém" hoặc nếu bất kỳ nước nào có ý định triệt phá mọi cầu nối với Moscow thì nước đó "phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ bất đối xứng, nhanh chóng và gay gắt".

Việc ông Putin trình bày thông điệp liên bang trước các nhà lập pháp Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Phương Tây cáo buộc Nga khiêu khích khi tăng cường lực lượng quân sự gần biên giới với Ukraine, trong khi Moscow nhấn mạnh động thái đó diễn ra hoàn toàn trên lãnh thổ Nga. Chiến sự tại Donbass (miền đông Ukraine) cũng gia tăng. Nga còn công bố kế hoạch tạm khóa một phần Biển Đen, đe dọa hoạt động của nhiều cảng biển Ukraine.

Nhiều tuần qua, Nga vướng vào nhiều cáo buộc gián điệp tại Ý hay Bulgaria. Cộng hòa Czech cũng trục xuất 18 nhân viên ngoại giao Nga vì một vấn đề quân sự. Trong khi đó, Nga tạm giữ và sau đó trục xuất một tổng lãnh sự của Ukraine vì cáo buộc gián điệp. Việc trục xuất các nhân viên ngoại giao để trả đũa nhau khiến quan hệ giữa Nga với các nước xấu đi đáng kể.

Đại sứ Nga tại Washington (Mỹ) Anatoly Antonov đã được triệu hồi về Moscow từ giữa tháng 3 và vẫn chưa trở lại Mỹ. Nguyên nhân là những căng thẳng xuất phát từ chính sách cứng rắn với Nga trong những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden xoay quanh các cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng… hay việc Moscow bắt giữ và truy tố nhân vật đối lập Alexei Navalny. 

 

Không lâu sau bài phát biểu hôm 21-4 của ông Putin, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố Moscow sẽ cân nhắc ngừng hợp tác kỹ thuật, quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara thực sự bán máy bay không người lái cho Ukraine.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rằng máy bay không người lái bán mà Ukraine sẽ mua "không nhằm chống lại Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác", Nga đã phản đối ý định này, cảnh báo Ankara không nên tiếp sức cho cái mà Moscow gọi là tham vọng quân sự hóa của Kiev.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm