Ông Tập nói với ông Duterte biển Đông là tài sản Trung Quốc

"Một cách lịch sự, tôi đã nói với ông ấy (Chủ tịch Tập Cận Bình) rằng tôi có thể sẽ không hối thúc câu trả lời của ông ngay bây giờ. Tôi không hài lòng với phản hồi của ông ấy nhưng tôi sẽ không hỏi thêm câu nào nữa. Tôi sẽ bảo lưu quan điểm ban đầu, xét về việc ông Tập cũng đang chịu áp lực trước các diễn biến ở Hong Kong" - ông Duterte nhớ lại những trao đổi với ông Tập trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 8, theo tờ The Inquirer.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương hai nước tại Bắc Kinh vừa qua. Ảnh: REUTERS

Ở phiên làm việc ngày 29-8, Tổng thống Duterte như đã hứa đã đề cập việc thực thi phán quyết biển Đông 2016 của Tòa trọng tài với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nhấn mạnh “đây là quyết định cuối cùng, ràng buộc và không thể thay đổi”. 

"Tuy nhiên, ông Tập trả lời tôi rằng tuyên bố của tôi sẽ không làm họ lay chuyển. Họ cũng không muốn bàn thêm về chuyện đó nữa. Ông Tập cho rằng đấy là tài sản của họ, tại sao lại phải trao đổi với chúng ta. Ông ấy nói những điều như vậy nhưng chỉ là nói thì thầm" - ông Duterte kể. 

Tuy nhiên, ông Duterte cũng lý giải việc ông không thể làm căng với Trung Quốc do sẽ tạo ra bất lợi khi "bất đồng, tranh cãi với nước láng giềng", nhất là khi đó lại là một hàng xóm lớn mạnh hơn.

Khi được hỏi động thái tiếp theo của Manila, Tổng thống Philippines thú nhận ông cũng đang tự hỏi mình câu hỏi đó. "Nếu nổ ra xung đột, tất cả phải đồng ý cùng chiến vì đó sẽ là sự chấm dứt cho nền văn minh của chúng ta… Nếu chết thì chết chung" - ông Duterte tuyên bố.

Ngoài ra, chủ nhân điện Malacanang tiếp tục thách thức Washington tham gia hỗ trợ Manila đấu tranh với Bắc Kinh. "Chỉ nói miệng rằng họ (Mỹ) đang thực thi đảm bảo luật pháp trên biển thì dễ lắm… Nhưng giờ Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền lịch sử và đang kiểm soát khu vực này. Mỹ có thể cứu chúng ta và sẵn sàng tham chiến không?".

Được biết nhiều chuyên gia Philippines đã lên tiếng phản đối động thái không nhắc lại phán quyết, khuyến nghị Manila không nên từ bỏ tuyên bố chủ quyền hợp pháp của mình.

"Đây sẽ là một hành động phản bội lòng tin người dân nếu chính quyền ông Duterte chấp nhận sự chối bỏ của Trung Quốc đối với phán quyết mang tính bước ngoặt làm vô hiệu hóa yêu sách ngang ngược của nước này trên biển Đông, trong đó có vùng biển của Philippines” - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario bày tỏ. 

Ông Rosario tiếp tục chỉ trích việc đề nghị Philippines chấp thuận không đưa ra vấn đề này nữa chẳng khác nào một sự thừa nhận rằng “Trung Quốc còn cao hơn cả luật pháp”. “Điều này là rất sai. Nó sẽ là một sự phản bội niềm tin mà chúng ta đã đặt vào chính quyền của mình” - ông Del Rosario cho biết thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm