Ông Trump nói về tác động của đạo luật Hong Kong với Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-12 cho hay đạo luật mới cho phép Mỹ trừng phạt các quan chức Hong Kong liên quan các hoạt động vi phạm nhân quyền ở đặc khu này có thể làm phức tạp những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (TQ), theo báo South China Morning Post (SCMP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Nhà Trắng để bay sang Anh ngày 2-12. Ảnh: Washington Post

“Đạo luật không thể làm cho đàm phán tốt hơn”, Tổng thống Trump thừa nhận khi được hỏi liệu đạo luật Dân chủ và Hong Kong mà ông ký hồi tuần trước sẽ khiến khó đạt được thỏa thuận thương mại với TQ hay không.

Ngoài các hành động trừng phạt nhằm vào các quan chức bị phát hiện vi phạm các quyền tự do được đảm bảo trong Luật Cơ bản (được xem là hiến pháp của Hong Kong), đạo luật của Mỹ còn yêu cầu ngoại trưởng Mỹ đưa ra chứng nhận hằng năm về việc Hong Kong có còn duy trì đủ quyền tự trị trước TQ đại lục để hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ cấp cho đặc khu này hay không.

Tổng thống Trump trước đó đã vận động các đồng minh Cộng hòa ở Thượng viện hoãn lại các dự luật để tạo cơ hội cho Mỹ-Trung thông qua thỏa thuận giai đoạn 1 về thương mại. Tuy nhiên, sự ủng hộ quá mạnh mẽ từ lưỡng đảng đã thúc đẩy ông Trump thông qua luật kép về Hong Kong.

Ngoài ký thông qua đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, ông Trump tuần trước còn ký thành luật Đạo luật Bảo vệ Hong Kong, trong đó cấm các công ty Mỹ xuất khẩu vũ khí kiểm soát đám đông phi sát thương, như hơi cay và đạn cao su, cho giới chức TP trong bối cảnh xuất hiện nhiều cáo buộc lực lượng cảnh sát Hong Kong dùng vũ lực quá mức với người biểu tình.

Xuất phát từ làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, sáu tháng bất ổn ở Hong Kong đã trở thành điểm nóng trong mối quan hệ song phương giữa Washington và Bắc Kinh, mặc dù hai bên đang cố gắng tách vấn đề này khỏi các cuộc đàm phán thương mại.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và TQ đã kéo dài 17 tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính phủ Mỹ và TQ vẫn bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo một thỏa thuận giúp xoa dịu căng thẳng.

Ông Trump ngày 2-12 tránh câu hỏi liệu “thỏa thuận giai đoạn 1” có diễn ra trước cuối năm nay, thay vào đó, ông trả lời:

“Người TQ cứ muốn đàm phán. Người TQ muốn thực hiện một thỏa thuận. Chúng ta sẽ thấy những gì diễn ra” - ông Trump phát biểu bên ngoài Nhà Trắng trước khi bay sang tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Anh.

Cờ Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: GETTY

Những tuyên bố của tổng thống Mỹ đưa ra vài giờ sau khi ông thông báo chính quyền Mỹ tái áp đặt thuế quan vào các mặt hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Argentina và Brazil, những quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Tổng thống Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ban đầu dự kiến ký thỏa thuận giai đoạn 1 tại các cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile hồi giữa tháng 11.

Tuy nhiên, hội nghị đã bị hủy và kể từ đó, không bên nào phát đi tín hiệu khi nào hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ gặp nhau để ký thỏa thuận, mặc dù ông Trump tuần trước cho hay các nhà đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng của một thỏa thuận.

Nếu thỏa thuận giai đoạn 1 không được thông qua, Mỹ vào ngày 15-12 tới sẽ áp đợt thuế tiếp theo vào hàng hóa TQ, với 160 tỉ USD hàng hóa TQ vào Mỹ như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đồ chơi phải chịu thêm 15% thuế quan bổ sung. Tổng thống Trump đã cảnh báo như vậy trước đó.

“Việc chính phủ Mỹ có dừng áp thuế TQ hay không phụ thuộc vào hành vi của Bắc Kinh từ bây giờ đến lúc đó” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói ngày 2-12.

Trả lời hãng tin Fox Business, ông Ross nói rằng các nhà đàm phán Mỹ vẫn chưa hài lòng với những gì TQ mang lên bàn đàm phán. Theo ông Ross, các quan chức TQ “có những tiến bộ nhưng đó là một bước tiến, một bước lùi”.

“Chúng tôi cần một thỏa thuận toàn diện để đáp ứng những yêu cầu của chúng tôi cho thỏa thuận giai đoạn 1” - ông Ross nói, cho biết thêm rằng việc mua nông sản sẽ là yếu tố nổi bật trong thỏa thuận, trong khi các vấn đề cơ cấu sẽ được đẩy sang giai đoạn sau.

Tờ Global Times của TQ ngày 29-11 nói rằng Bắc Kinh muốn tìm kiếm không chỉ là sự hủy bỏ tăng thuế trong tương lai của Mỹ mà còn xem việc hủy bỏ các mức thuế quan hiện tại là điều kiện tiên quyết của thỏa thuận.

Trong một báo cáo nghiên cứu ngày 2-12, Công ty Tư vấn đầu tư Veda đánh giá chỉ có 15% khả năng hai bên đồng ý thỏa thuận giai đoạn 1 trong vòng hai tuần nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm