Phi công Mỹ kể chuyện F-117 tàng hình trúng tên lửa ở Nam Tư

Một phi công Mỹ từng tham chiến trong chiến tranh Nam Tư đã tiết lộ rằng vào năm 1999, lực lượng của người Serbia đã ít nhất hai lần phát hiện và tấn công các máy bay tàng hình tối tân của Mỹ, hãng tin Sputnik ngày 2-12 cho hay.

Ngày 24-3-1999, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu ném bom Cộng hòa Liên bang Nam Tư với cáo buộc chính quyền của người Serbia thanh lọc sắc tộc chống lại người Albania ở vùng lãnh thổ Kosovo.

Ngày 27-3-1999, quân đội Nam Tư tuyên bố bắn hạ một máy bay tàng hình F-117 Nighthawk. Đây là dòng máy bay tàng hình đầu tiên từng trực tiếp tham chiến và là dòng máy bay tối tân bậc nhất vào thời điểm đó.

Trên chương trình phát thanh trực tuyến "The Afterburn" (Mỹ) hồi cuối tháng 11, cựu Trung tá Không quân Mỹ Charlie 'Tuna' Hainline tiết lộ thêm rằng đó không phải lần duy nhất dòng máy bay tàng hình F-117 của Mỹ bị lực lượng Nam Tư bắn trúng. 

Ảnh minh họa - Một chiếc F-117 đang làm nhiệm vụ ném bom. Ảnh: AP

Ông Hainline cho biết ông và một đồng đội đã lái hai chiếc F-117 khi bị tấn công trong một "trận mưa đạn" từ phía quân đội Nam Tư. Tuy nhiên, chiếc máy bay của đồng đội ông chỉ bị hư hại và quay về điểm tập kết một cách thần kỳ.

Tờ The Drive giải thích rằng các máy bay tàng hình không có khả năng né radar địch 100%. Cùng với đó, các máy bay này cần sự hỗ trợ của các thiết bị gây nhiễu. Vì vậy không loại trừ khả năng máy bay bị radar Nam Tư phát hiện.

Ông Hainline không nêu rõ vụ việc này xảy ra vào ngày nào, song Sputnik cho rằng thời gian lực lượng người Serbia thực hiện đợt tấn công bí ẩn này là ngày 30-4-1999. Sputnik không nói rõ vì sao đưa ra suy đoán này.

Theo chia sẻ của ông Hainline, ông và đồng đội đã cất cánh từ căn cứ không quân Spangdahlem (Đức) và đang hoạt động ở phía tây TP Budapest (thủ đô của Hungary - nước láng giềng của Nam Tư). Người đồng đội này bay cách ông Hainline khoảng 16 km, gần hơn về phía thủ đô Belgrade của Nam Tư.

"Tôi đã nhìn sang phía bên phải của mình, về phía Belgrade và thấy một tên lửa khổng lồ vút lên. Nó trông giống như một thứ gì đó kiểu Saturn V" - ông Hainline nói.

Saturn V là loại tên lửa đẩy nhiều tầng được Mỹ sử dụng trong các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng.

"Tôi biết rằng người đồng đội của tôi đang ở đâu đó trong khu vực ấy. Sau đó, tôi thấy một đợt bắn khác, lần này là một vệt sáng lớn và thậm chí, từ vị trí xa như vậy, bạn có thể nhìn thấy nhiều chi tiết. Ngọn lửa từ đuôi tên lửa và khói lao tới và sau đó, chỉ (còn thấy) quả cầu lửa này hướng về phía bạn" - ông Hainline kể lại.

May mắn là chiếc máy bay của ông Hainline không bị bắn trúng. Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông Hainline không dám chắc liệu người đồng đội của mình có bị trúng tên lửa hay không.

Ông Hainline đã lái máy bay về điểm tập kết đúng giờ để chờ tiếp nhiên liệu. Một lúc lâu sau đó, chiếc F-117 của người đồng đội kia xuất hiện một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, máy bay không còn trong trạng thái tốt nhất, đèn đã bị hỏng và không còn có thể nhận nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker một cách thuận lợi.

Sau nhiều cố gắng, chiếc máy bay F-117 gặp sự cố đã có thể nạp đủ nhiên liệu và hai người phi công cũng về tới Spanghahlem an toàn.

Ông Hainline cho biết nhờ việc giúp đỡ người đồng đội của mình về căn cứ an toàn, ông đã nhận được Huân chương Chữ thập Không vụ Xuất sắc (Distinguished Flying Cross) vì "hành động anh hùng hoặc thành tích phi thường khi tham gia một nhiệm vụ trên không". 

 

Nam Tư là quốc gia từng tồn tại từ năm 1929, đã có lúc bao trọn một vùng rộng lớn ở trung-tây bán đảo Balkan, nay là các nước Serbia, Bắc Macedonia, Montenegro, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Slovenia và vùng lãnh thổ Kosovo.

Sau khi một số nước cộng hòa ly khai khỏi Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư vào trong hai năm 1991 và 1992, hai chủ thể liên bang là Serbia (bao gồm vùng lãnh thổ Kosovo) và Montenegro thành lập Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Năm 2003, nước này đổi tên thành Liên minh Nhà nước Serbia & Montenegro. Năm 2006, người dân Montenegro bỏ phiếu và tách ra độc lập.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm