Thủ tướng Anh nhập viện vì COVID-19: Đừng chủ quan

Rạng sáng 6-4 (giờ Việt Nam), báo chí Anh và quốc tế đồng loạt đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson, 55 tuổi, nhập viện sau 10 ngày cách ly vì nhiễm COVID-19. Trước đó (27-3), ông Johnson xác nhận mắc bệnh và thông báo tự cách ly tại dinh thủ tướng ở số 10 phố Downing tại London trong bảy ngày.

Văn phòng thủ tướng Anh ra thông báo: “Theo lời khuyên của bác sĩ, tối nay thủ tướng đã nhập viện để nghỉ ngơi. Đây là một bước đề phòng, khi sau 10 ngày có kết quả dương tính với virus mà thủ tướng vẫn tiếp tục có các triệu chứng”. Chính phủ Anh đang cố gắng chuyển đến công luận thông điệp: Việc nhập viện giám sát tình hình sức khỏe ông Johnson chủ yếu là “thận trọng” chứ không phải cấp cứu hoặc vì tình trạng sức khỏe của thủ tướng xấu đi.

Nhập viện có ý nghĩa gì với bệnh nhân COVID-19?

Báo The Guardian lại đưa ra một góc nhìn khác. Hầu hết mọi người khỏe mạnh đều được phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 trong vòng một tuần, thậm chí bản thân người bệnh cũng không biết họ nhiễm bệnh nếu như họ không thực hiện xét nghiệm. Vì vậy, lời khuyên mà chính phủ Anh và nhiều nước phương Tây đưa ra cho người dân có triệu chứng (nhiễm COVID-19) là hãy ở nhà, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi, uống thuốc Paracetamol (loại thuốc phổ biến để giảm đau và hạ sốt) và theo dõi trong vòng một tuần. Theo thống kê do The Guardian dẫn lại thì 80% các ca COVID-19 sẽ khỏi triệu chứng sau thời gian ấy.

Tuy nhiên, Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cũng lưu ý rằng nếu các triệu chứng bệnh (chủ yếu là ho khan, sốt và uể oải) vẫn không kết thúc sau một tuần, hoặc tình trạng bệnh càng lúc càng nặng thì người dân phải gọi cho các đơn vị chăm sóc y tế.

Quay lại chuyện của thủ tướng Anh, rõ ràng các triệu chứng bệnh của ông Johnson đã không khỏi sau 10 ngày tự cách ly. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, người được xác nhận đã nhiễm COVID-19 cùng thời điểm với Thủ tướng Johnson, đã bình phục và quay lại làm việc từ ngày 3-4. Theo The Guardian, thủ tướng Anh nhập viện để thực hiện các bước kiểm tra y tế bổ sung, bao gồm chụp hình ảnh phổi để kiểm tra tình trạng bệnh, đồng thời làm các xét nghiệm máu cần thiết. Các bác sĩ cần theo dõi diễn biến bệnh, từ đó mới có thể kết luận ông Johnson chưa bước vào giai đoạn hai của COVID-19, khi hệ thống miễn dịch cơ thể bắt đầu gặp khó khăn từ áp lực ngày càng lớn của virus.

Giới quan sát nhận định rằng khi hệ thống y tế ở Anh đang phải quá tải vì số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng mạnh, rất ít có khả năng ông Johnson phải nhập viện nếu như các bác sĩ không nhận thấy điều gì đó đáng phải lo ngại, cần phải tiến hành kiểm tra thật kỹ. Bởi lẽ các hoạt động kiểm tra sức khỏe đơn giản có thể được các y, bác sĩ thực hiện tại nơi ở của ông Johnson.

Các nhân viên an ninh Anh hộ tống đoàn xe chở công dân Anh trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc đi cách ly. Ảnh: EPA

Hồi chuông cảnh báo sự chủ quan

Tuần trước, The Guardian nhận định tình trạng sức khỏe của thủ tướng Anh xấu hơn những gì ông và các quan chức Anh công bố. Cho đến nay, sau khi ông Johnson chính thức nhập viện thì những lo ngại của giới quan sát bắt đầu được kiểm chứng. Cùng thời điểm này, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Anh vẫn tiếp diễn chuỗi ngày u ám khi tổng số ca nhiễm, tử vong vẫn tăng đáng kể.

Điều khiến nước Anh lo lắng là xuất hiện trường hợp bệnh nhân còn trẻ (35 tuổi), không có bệnh nền nhưng vẫn tử vong. Trường hợp này không phải quá hiếm khi trước đó (ngày 26-3), truyền thông Anh cho biết một cô gái 21 tuổi, không có tiền sử bệnh nền cũng không qua khỏi vì COVID-19. Thế giới cũng từng ghi nhận một số trường hợp tương tự. Qua đó, có thể thấy nhận định chỉ nhóm người lớn tuổi (60 tuổi trở lên), có bệnh nền mới tử vong vì dịch bệnh đến nay vẫn có ngoại lệ. Nó cảnh báo sự chủ quan mà ngay từ những ngày đầu nhiều quan chức Anh phạm phải: Lây nhiễm cộng đồng - để cho người dân lây nhiễm rộng và có thể tự khỏi; chỉ tập trung bảo vệ nhóm người lớn tuổi, có bệnh nền.

Thủ tướng Anh là một người bạn thân thiết của tôi. Tôi chắc rằng ông ấy sẽ ổn, ông ấy là một người mạnh mẽ.

Tổng thống Mỹ DONALD TRUMP phát biểu họp báo tối 5-4 (giờ Mỹ)

Xin chia sẻ với Thủ tướng Boris Johnson. Dù theo bất kỳ quan điểm chính trị nào đi nữa thì cả nước Anh đều đồng lòng, mong muốn rằng thủ tướng của chúng ta sẽ hồi phục và khỏe mạnh trong thời gian sớm nhất.

Cựu bộ trưởng Y tế Anh JEREMY HUNT 

Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cùng ngày Thủ tướng Johnson vào bệnh viện, đã có bài phát biểu, ví von việc chống dịch như Thế chiến thứ hai, chỉ khác rằng cuộc chiến năm nay cả thế giới cùng chung chiến tuyến, cùng một kẻ thù: Đại dịch COVID-19; chiến thắng cuối cùng sẽ nhờ vào sự tiến bộ của khoa học.

Số lượng bệnh nhân COVID-19 bùng nổ vào tháng 3 vừa qua khiến Anh dường như “không kịp trở tay” dù rằng đã có cảnh báo từ sớm. Chính quyền Anh bị chỉ trích vì chủ quan, vốn nhiều nước phương Tây và cả Mỹ gặp phải. Hệ thống y tế Anh trở nên quá tải, các thiết bị bảo hộ nhân viên y tế (PPE) như khẩu trang, quần áo bảo hộ… thiếu trầm trọng.

Nhiều báo Anh, như tờ Metro dẫn lời BS Rinesh Parmar thuộc Hiệp hội Bác sĩ Anh cho biết dựa vào các báo cáo từ các bác sĩ, có thể thấy giới y, bác sĩ Anh vẫn đang gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp cận PPE vì khan hiếm. Dù chính phủ hứa sẽ cung cấp PPE đầy đủ nhưng thực tế lại khác, ví dụ: Các nhân viên y tế thuộc NHS đang phải tái sử dụng các kính che mắt. Vị này mô tả thêm nhiều nhân viên thuộc các khâu tác nghiệp có nguy cơ lây nhiễm cao “phải nín thở” hoặc phải chia sẻ khẩu trang với nhau. Điều này làm dấy lên lo ngại các y, bác sĩ có thể nhiễm bệnh, làm giảm nguồn lực vốn đang chịu áp lực lớn từ dịch.

Ở Anh, khi nào bệnh nhân COVID-19 cân nhắc nhập viện?

Trước đây, Viện Y tế quốc gia về chất lượng điều trị của Anh (NICE) đã ban hành hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 gặp phải các tình trạng sau đây phải cần đến lời khuyên của bác sĩ để quyết định có nhập viện hay không. Đó là khó thở trầm trọng, ho ra máu, môi hoặc mặt tím tái, sốt và khó chịu kèm theo da bị nổi đốm và tái nhợt, ngất xỉu, rối loạn nhận thức, hôn mê, tiểu ít hoặc không tiểu được.

Ở tuần đầu tiên khi nhiễm bệnh, những người có sức đề kháng cao sẽ có thể chống lại virus. Tuy nhiên, một số người sẽ gặp vấn đề về sức khỏe ở tuần thứ hai, khi hệ thống miễn dịch của họ trở nên suy yếu. Họ buộc phải dùng máy trợ thở khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm