Thương chiến lắng dịu, Mỹ-Trung vào cuộc chiến truyền thông?

Theo báo South China Morning Post, vào ngày 2-3, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng sẽ hạn chế cấp phép cho các nhà báo của Trung Quốc làm việc tại Mỹ.

Theo quyết định trên, số phóng viên Trung Quốc làm việc tại Mỹ có thể bị cắt giảm từ 160 xuống còn khoảng 100 người. 

Giải thích cho hành động này của Nhà Trắng, nhà ngoại giao trên cho biết đây là động thái đáp trả cho việc Trung Quốc đã "giám sát quá đà, quấy rối và thậm chí đe dọa phóng viên" của Mỹ cũng như các nước khác trong thời gian họ tác nghiệp tại Trung Quốc. 

Theo South Morning China Post (SCMP), quyết định được đưa ra sau khi Bắc Kinh thu hồi thị thực của ba nhà báo The Wall Street Journal không xin lỗi chính phủ Trung Quốc vì một bài đăng có tiêu đề gọi Trung Quốc là "người đàn ông yếu ớt của châu Á".

Đây là cách dùng từ của báo chí từ thế kỷ 18, 19 để gọi Trung Quốc khi nước này còn đang yếu thế và thường xuyên chịu sự thống trị của ngoại bang. 

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng lý do chính của hành động này là chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cố tình nhắm vào năm tổ chức truyền thông lớn của Trung Quốc. 

Những cái tên được nhắc đên là Tân Hoa Xã, Mạng truyền hình quốc tế Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, China Daily, Hai Tian Development USA. Mỹ vừa áp dụng các hạn chế đối với các tổ chức này vào ngày 19-2. 

Ngoài việc cắt giảm nhân sự các đơn vị truyền thông, Mỹ cũng yêu cầu những nhân viên còn lại đăng ký với Bộ Ngoại giao tương tự như nhân viên của Đại sứ quán và lãnh sự quán. Các tổ chức này cũng phải khai báo bất động sản và yêu cầu phê duyệt khi có giao dịch mới. 

Lệnh hạn chế sẽ không được áp dụng ngay lập tức với phóng viên người Mỹ làm việc tại tổ chức truyền thông của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ mong muốn một mối quan hệ hai bên cùng có lợi trên tất cả phương diện, tương tự như các thỏa thuận trước đây mà hai nước đã đạt được.

Vì vậy, hành động của Nhà Trắng lần này nhằm mục tiêu thúc đẩy sự công bằng của Trung Quốc trong việc đối xử với nhà báo của Mỹ và các nước khác tại nước này. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông hy vọng việc hạn chế số lượng các phóng viên Trung Quốc tác nghiệp tại Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh đối xử công bằng hơn với phóng viên Mỹ và các nước khác tại Trung Quốc. Ảnh: AP

Từ thời điểm cuộc chiến thương mại và vũ khí quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời lắng xuống, truyền thông được xem là mặt trận mới giữa hai bên.

Trong phát biểu của mình, ông Pompeo đã phân biệt giữa tự do ngôn luận và các hành động được Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều bằng chứng về hành động hạn chế quyền tự do ngôn luận đối với nhà báo của Mỹ và các nước khác tại Trung Quốc đã được ghi nhận. 

Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun cho rằng hành động cản trở phóng viên Trung Quốc tác nghiệp tại Mỹ là không thỏa đáng. 

Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Mỹ cho biết họ sẽ giữ lại những phóng viên nào trước khi lệnh hạn chế có hiệu lực từ ngày 13-3 tới. 

So với năm 2018, thứ hạng về chỉ số tự do báo chí của cả Mỹ và Trung Quốc trên thế giới đều giảm (Mỹ giảm từ 45 xuống 48, Trung Quốc giảm từ 176 xuống 177/180 nước).

Khi được hỏi về phản ứng của Nhà Trắng nếu Bắc Kinh đáp trả hành động lần này, một quan chức Mỹ cho hay nhiều nhà báo Trung Quốc sẽ tiếp tục bị thu hồi thị thực và điều đó sẽ gây bất lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm