Thượng đỉnh Mỹ-Nga: Ông Biden và ông Putin đều không nhường về Ukraine

Ngày 8-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có phiên đối thoại kín trực tuyến trong bối cảnh Moscow triển khai lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự ra khu vực biên giới với Ukraine. 

Đây là kỳ thượng đỉnh thứ hai với ông Putin trong nhiệm kỳ của ông Biden, sau cuộc gặp lần đầu hồi tháng 6 ở TP Geneva, Thụy Sĩ.  

Tờ The Washington Post cho biết sự kiện kết thúc sau hai tiếng và không có tuyên bố. Theo nội dung tường thuật lại của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ông Biden đã thẳng thắn kêu gọi ông Putin bỏ ý định tấn công Ukraine và chỉ ra rõ ràng những "hậu quả về kinh tế và an ninh" mà Nga phải gánh chịu nếu mở một chiến dịch như vậy. Cụ thể các hậu quả này là gì thì chưa rõ. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong phiên đối thoại ngày 8-12. Ảnh: AP 

Ông Biden cũng khẳng định mọi quốc gia đều có quyền tự do lựa chọn họ muốn sát cánh cùng với, ám chỉ việc Ukraine muốn gia nhập NATO. Ông cảnh báo thêm rằng trong trường hợp Ukraine bị tấn công thì Mỹ "sẽ buộc lòng" gia tăng hỗ trợ cho NATO và các đồng minh khác của nước này ở châu Âu. 

"Phiên thượng đỉnh không thảo luận nhiều về thỏa thuận hay hiệp ước chính thức nào cả. Mỹ chỉ làm rõ với phía Nga là chúng tôi sẵn sàng đối thoại về các vấn đề chiến lược liên quan tới cục diện châu Âu vì chúng tôi có trách nhiệm với các đồng minh và đối tác ở đây" - ông Sullivan cho biết. 

Về phía Nga, đài RT dẫn thông cáo sau thượng đỉnh do Điện Kremlin công bố cho biết ông Putin đã trao đổi và muốn ông Biden đảm bảo rằng NATO không mở rộng ảnh hưởng ra phía đông cũng như triển khai vũ khí ở các nước giáp với Nga như Ukraine. Dù vậy, ông Sullivan khẳng định ông Biden không xác nhận hay nhượng bộ nào về yêu cầu này. 

Nhà lãnh đạo Nga còn khẳng định chính NATO mới là bên có ý định đổ quân vào lãnh thổ Ukraine và đang dồn quân áp sát Nga về mọi mặt. Việc Nga tập trung lực lượng chỉ là phản ứng lại từ các hành động của NATO và Ukraine, chứ không có ý định tấn công trước. 

Theo The Washington Post, hai nhà lãnh đạo cuối cùng đã giao nhiệm vụ cho một nhóm công tác của hai nước tiếp tục làm việc trên các "vấn đề an ninh châu Âu nhạy cảm", Mỹ cũng sẽ tiếp tục tham vấn phối hợp chặt chẽ với đồng minh, đối tác. 

Hồi tuần trước, The Washington Post cũng chính là đơn vị đầu tiên công bố một số tài liệu tình báo Mỹ khẳng định Moscow đang lên kế hoạch điều hơn 175.000 quân, với thiết giáp và khí tài hỗ trợ, tấn công Ukraine vào đầu năm 2022.

Tài liệu nói trên đi kèm một số hình ảnh vệ tinh cho thấy hiện quân Nga đã tập trung với số lượng lớn với khoảng 70.000 binh sĩ ở bốn điểm dọc biên giới với Ukraine, chia thành khoảng 50 nhóm chiến thuật đi kèm tăng và thiết giáp.   

Tài liệu cũng khẳng định Moscow đã đặt điều kiện là Washington phải đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập NATO và liên minh này sẽ hạn chế một số hoạt động quân sự nhất định trong và xung quanh lãnh thổ Ukraine. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm