Tình hình COVID-19 ở Iran đang thế nào?

Diễn biến dịch COVID-19 ở Iran - quốc gia bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Trung Đông - vẫn đang rất căng thẳng, theo hãng tin Reuters.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Iran, ngày 13-4 nước này có tới thêm 111 người mất vì COVID-19, đưa tổng số người chết trong đợt dịch này đến nay lên 4.585. Trong 24 giờ qua Iran cũng ghi nhận thêm tới 1.617 người nhiễm, đưa tổng số ca nhiễm lên tới 73.303, trong số này có 3.877 ca diễn biến nguy kịch.

Theo thông tin ông Al Alzaza Vahabzadeh - cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Iran đăng trên trang Twitter thì nước này đã có 45.983 bệnh nhân hồi phục.

Các lệnh cấm dần được nới lỏng

Chính phủ nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các địa phương trong các tỉnh hôm 12-4. Theo truyền thông Iran, việc hạn chế giao thông liên tỉnh sẽ được dỡ bỏ vào ngày 20-4 tới đây. 

 

Một cô gái Iran lấy khăn choàng che mặt khi ra đường. Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi giao thông được nối lại, đường phố Iran nhanh chóng đầy người và xe. Hình ảnh trên nhiều trang báo địa phương cho thấy người dân bắt đầu tràn ra khắp nơi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội

Tại những thành phố có nguy cơ thấp, người dân bắt đầu sử dụng xe buýt, xe điện ngầm khá đông. Một số cửa hàng, văn phòng rục rịch mở cửa trở lại từ hôm thứ Bảy tuần trước (11-4). 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và dịch vụ được cho là tiềm ẩn nhiều nguy cơ như rạp chiếu phim, nhà hát, bể bơi, thẩm mỹ viện, trường học, trung tâm mua sắm và nhà hàng vẫn phải đóng cửa. 

Riêng tại thủ đô Tehran, lệnh hạn chế các hoạt động sẽ được nới lỏng hơn từ ngày 18-4 tới.

Người dân Iran đi lại bằng tàu điện ngầm. Ảnh: IranNews 

Các quan chức và cả chuyên gia y tế đã đưa ra những cảnh báo về một làn sóng tấn công thứ hai của virus sẽ đánh vào thủ đô Tehran. 

Ông Alireza Zali, người đứng đầu chiến dịch chống dịch COVID-19 của Iran, một lần nữa kêu gọi người dân phải chấp hành triệt để việc ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 

Lo kinh tế suy sụp

Việc giãn cách xã hội là yêu cầu bắt buộc để phòng, chống virus lây lan. Đây là biện pháp mà hầu hết các quốc gia đều đang áp dụng. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến việc phát triển kinh tế ở nhiều nơi gần như đóng băng.

Chuyên gia tài chính của Iran lo ngại các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng, dịch vụ, kinh doanh cùng với lệnh trừng phạt, phong tỏa của Mỹ có thể khiến nền kinh tế Iran suy sụp hoàn toàn.

Người phát ngôn của chính phủ, ông Ali Rabiei cho biết: “Chúng tôi đang phải cùng lúc chiến đấu với virus SARS-CoV-2 và lệnh trừng phạt của Mỹ.”

Đường phố Iran được phun thuốc khử khuẩn. Ảnh: AFP

Từ năm 2018 Mỹ đã khôi phục trừng phạt với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga).

Chính quyền Iran cho rằng chính các lệnh trừng phạt này đã khiến đất nước càng thêm khó khăn khi chiến đấu chống dịch. Tuy nhiên, nước này đã từ chối đề nghị hỗ trợ nhân đạo từ Washington, chỉ kiên định giữ yêu cầu được dỡ bỏ cấm vận. 

“Bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt hiện nay, Iran vẫn có được những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nguồn lực mà Iran dựa vào chính là con người, khoa học và sự tương trợ của bạn bè quốc tế. Người dân Iran sẽ mãi mãi ghi nhớ thời kỳ này của đất nước” - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm