Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 13-4

Tính đến 6 giờ sáng 13-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận trên toàn cầu có 113.946 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 1.848.365 ca nhiễm.

Như vậy, so với ngày 12-4, số ca tử vong tăng 3.941 người, số ca nhiễm tăng 52.672 người. Hiện đại dịch đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thế giới đã có 422.556 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 10.685 người so với ngày 12-4.

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân COVID-19 cao tuổi vào bệnh viện ở bang California, Mỹ ngày 10-4. Ảnh: AFP

Tình hình COVID-19 ở Anh tiếp tục khó lường, thủ tướng Anh được xuất viện

Trang thống kê Worldometer ngày 13-4 dẫn nguồn các cơ quan y tế Anh cho biết nước này mất thêm tới 737 người vì bệnh COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 10.612.  

Số ca tử vong trong ngày 12-4 dù có thấp hơn mức gần 1.000 ca được ghi nhận trong liên tiếp hai ngày trước đó, song vẫn khiến Anh trở thành một trong những nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

Hiện tổng cộng Anh đang có 84.279 ca nhiễm, tăng 5.288 ca. Tổng cộng 282.374 người đã được xét nghiệm. 

Vào tối 12-4 (giờ địa phương), tờ The Guardian dẫn nguồn tin giới chức chính phủ nước này cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xuất viện sau thời gian điều trị bệnh COVID-19 nhưng ông Johnson chưa trở lại làm việc ngay.

Cụ thể, nhà lãnh đạo Anh đã xuất viện sau gần một tuần điều trị tại BV St Thomas ở thủ đô London. Ông Johnson sẽ tiếp tục nghỉ ngơi chờ hồi phục ở khu nghỉ dưỡng vùng ngoại ô ở Chequers và sẽ chưa trở lại làm việc ngay, thể theo yêu cầu của các chuyên gia y tế.

Trong thời gian ông Johnson nhập viện đến nay, Ngoại trưởng Dominic Raab được chỉ định thay thủ tướng điều hành chính phủ.

Mỹ: Tâm dịch New York đang chững lại, các khu vực khác tiếp tục diễn biến xấu

Theo trang thống kê Worldometer, Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận mất thêm 1.459 người vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 22.036. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Mỹ chứng kiến số ca tử vong trong ngày trên 1.000 người. 

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ hiện là 559.968 ca, tăng 27.089 ca. 

Mỹ hiện vẫn là nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới, cao nhất cả về số người chết và số ca nhiễm. Tuy nhiên có tín hiệu tích cực là số ca nhiễm mới hằng ngày của Mỹ vài ngày gần đây có dấu hiệu chững lại.

Trong cuộc họp báo cuối ngày 12-4, Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo nhận định mức độ lây lan của đại dịch đã có dấu hiệu chậm lại ở bang này, theo tờ The New York Times.

Ông cũng chỉ trích chính quyền liên bang trong việc ứng phó với dịch vì cho rằng tiền cứu trợ đã được phân bổ không phù hợp khi mà nhiều bang không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch lại nhận được khoản cứu trợ quá lớn.

Dù dịch COVID-19 có dấu hiệu chững lại ở tâm dịch New York, song trên toàn nước Mỹ tình hình vẫn diễn biến xấu, khiến giới chức chính quyền phải cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn nếu nước Mỹ sớm chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội

Trả lời phỏng vấn của đài Fox News, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams mới đây cũng khẳng định hầu hết các khu vực tại Mỹ chưa sẵn sàng cho việc mở cửa kinh tế trở lại vào ngày 1-5.  

Ý phục hồi tốt, Tây Ban Nha vẫn chưa có tín hiệu lạc quan

Trang thống kê Worldometer cho biết Ý trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 431 người chết vì dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng số tử vong hằng ngày xuống dưới mức 500 người và là con số thấp nhất tại nước này kể từ ngày 19-3. Tổng cộng Ý đã có 19.899 người chết trong đợt dịch này.

Số ca nhiễm mới của Ý trong 24 giờ qua dưới mức 5.000 ca, cụ thể là 4.092 ca.

Hiện ở Ý chỉ có 3.343 người đang phải điều trị tích cực. Đây là một chỉ số rất quan trọng thể hiện sức ép đối với các bệnh viện tại Ý đang giảm đi rõ rệt.

Bình luận về các diễn biến trên, GS Luca Richeldi - thành viên Hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Ý khẳng định đà đi xuống của dịch COVID-19 tại nước này là đáng tin cậy, bất chấp số liệu lên xuống thất thường vài ngày qua.

Theo ông Richeldi, tình trạng sụt giảm chậm này sẽ kéo dài 20-25 ngày rồi mới hạ thấp một cách rõ rệt nếu các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì, đài ASNA đưa tin.

Trái với các thông tin tích cực ở Ý, tình hình dịch ở Tây Ban Nha vẫn chưa khởi sắc khi các con số bệnh nhân tử vong tăng trở lại sau ba ngày giảm liên tiếp. 

Cụ thể, nước này trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 3.804 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 166.831. Tây Ban Nha tiếp tục là nước có số người nhiễm cao thứ hai thế giới sau Mỹ. 

Trong khi đó, số người chết trong 24 giờ qua là 603. Tổng số người tử vong vì đại dịch đến nay là 17.209. 

Dù vậy, trong bài phát biểu tối 12-4 (giờ địa phương), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vẫn khẳng định các biện pháp phong tỏa đã giúp Tây Ban Nha hạ thấp tốc độ lây nhiễm của dịch từ mức 38% trước khi phong tỏa xuống mức 3%/ngày như hiện nay, tờ The Local Spain cho hay.

Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi người dân giữ vững quyết tâm vì ngày chiến thắng đại dịch vẫn còn xa. 

Theo kế hoạch, Tây Ban Nha ngày 13-4 sẽ cho phép nhiều lao động được trở lại làm việc sau khi kết thúc lệnh cấm các lĩnh vực kinh tế không thiết yếu nhiều tuần qua. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm