Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 17-4

Tính đến 6 giờ 30 phút ngày 17-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới 145.378 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 2.179.592 ca nhiễm.  

Như vậy so với tối 16-4, số ca tử vong tăng 9.716, số ca nhiễm tăng 82.491 ca.

Toàn thế giới cũng ghi nhận 546.743 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Một bức tranh được vẽ trên tường mô tả một nhân viên y tế ở TP Denver, bang Colorado của Mỹ. Ảnh: AFP

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (34.522), Ý (22.170), Tây Ban Nha (19.315), Pháp (17.920), Anh (13.729), Iran (4.869), Bỉ (4.857), Đức (4.052), Trung Quốc (3.342), Hà Lan (3.315).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (675.527), Tây Ban Nha (184.948), Ý (168.941), Pháp (165.027), Đức (137.698), Anh (103.093), Trung Quốc (82.341), Iran (77.995), Thổ Nhĩ Kỳ (74.193), Bỉ (34.809).

Mỹ có hơn 34.000 ca tử vong, Tổng thống Trump thông báo kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 khi số người chết tăng gấp đôi chỉ sau một tuần và số ca tử vong theo ngày tăng kỷ lục trong hai ngày liên tiếp, theo kênh Channel News Asia.

Theo trang thống kê Worldometer, trong 24 giờ qua Mỹ tăng thêm 2.079 ca tử vong do COVID-19 và 27.524 ca nhiễm, nâng số ca tử vong lên 34.522 và số ca nhiễm lên 675.527.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng tối 16-4, Tổng thống Donald Trump đã thông báo kế hoạch mở cửa lại kinh tế Mỹ theo ba giai đoạn.

“Chúng ta không mở cửa tất cả trong cùng một lúc mà trong từng giai đoạn sẽ có một bước đi cẩn thận” - Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tổng thống Trump cho biết do các bang khác nhau nên các thống đốc sẽ đưa ra quyết định dựa vào tình hình của từng bang.

“Nếu các bang cần tiếp tục đóng cửa, chúng tôi sẽ cho phép họ làm vậy. Nếu họ nghĩ đã đến lúc mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ cho phép và cung cấp hướng dẫn để hoàn thành việc đó” - ông Trump nói.

Kế hoạch gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có một loạt yêu cầu mà bang đó phải đáp ứng trước khi tiến tới giai đoạn tiếp theo.

Đề xuất này đã được trình bày tại một cuộc họp thông qua điện thoại với thống đốc các bang trước đó trong ngày 16-4.

Giai đoạn một của kế hoạch mở cửa này yêu cầu tiếp tục tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội tại nơi công cộng và không tụ tập trên 10 người. Trong khi đó, những cá nhân dễ bị tổn thương vẫn không được phép ra khỏi nhà. Người dân cũng được khuyến cáo tránh đi du lịch không cần thiết.

Kế hoạch theo từng giai đoạn này cũng khuyến khích các nhà tuyển dụng cho phép nhân viên làm việc từ xa. Các trường học hiện đóng cửa nên tiếp tục đóng cửa. Các địa điểm lớn có thể hoạt động theo những quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Các phòng gym có thể hoạt động miễn sao tuân thủ những hướng dẫn về giãn cách xã hội, song các quán bar chưa được phép hoạt động trở lại.

Các quán bar, trường học, du lịch và tụ tập tập trên 50 người sẽ nằm trong giai đoạn thứ hai. Trong giai đoạn ba, mọi người phải giảm thiểu thời gian xuất hiện tại những đám đông và các tương tác công cộng.

Ý: Ca tử vong giảm nhưng ca nhiễm tăng trở lại

Cơ quan bảo vệ dân sự Ý ngày 16-4 cho biết số người chết do COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng thêm 525 người, giảm so với 578 ca vào ngày trước đó. Tuy nhiên, ca nhiễm mới lại tăng với 3.786 ca so với con số 2.667 vào ngày trước đó.

Người dân đeo khẩu trang khi dịch COVID-19 xuất hiện tại khu đô thị Castiglione della Pescaia, tỉnh Grosseto thuộc vùng Toscana của Ý. Ảnh: CNA

Như vậy, hiện Ý có 168.941 ca nhiễm COVID-19, trong đó 22.170 người đã tử vong.

Trong 24 giờ qua, có 2.936 bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc tích cực, giảm so với con số 3.079 vào ngày trước đó. Có 40.164 người đã được chữa khỏi tại Ý.

WHO: Châu Âu vẫn nằm trong "mắt bão" COVID-19 với gần 1 triệu ca nhiễm

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Hans Kluge phát biểu tại cuộc họp báo hôm 16-4 rằng châu Âu vẫn nằm trong "mắt bão" của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm gần tới ngưỡng 1 triệu.

“Các ca nhiễm trên khắp khu vực tiếp tục tăng. Trong 10 ngày qua, số ca nhiễm được báo cáo ở châu Âu tăng gần gấp đôi lên mức gần 1 triệu trường hợp” - ông Kluge nói với phóng viên trong buổi họp báo trực tuyến ngày 16-4.

Một học sinh tham gia lớp học online tại nhà tại TP El Masnou, bắc Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: REUTERS

Điều này có nghĩa là khoảng 50% số bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu là ở châu Âu, theo ông Kluge. Cũng tại châu lục này, hơn 84.000 người đã qua đời vì COVID-19, trong đó các nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.

"Đám mây của cơn bão đại dịch này vẫn đang phần lớn nằm ở khu vực châu Âu" - ông Kluge nhận định.

Khi một số quốc gia bắt đầu xem xét việc nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trường học cũng như một số nơi làm việc, ông Kluge cho hay điều quan trọng là phải hiểu được tính phức tạp và tính không chắc chắn của việc chuyển đổi như vậy.

Các công ty và các chính trị gia trên thế giới đang lo ngại về tác động của việc đóng cửa lâu dài đối với kinh tế. Một số quốc gia ở châu Âu như Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha và một số nước khác đang bắt đầu tính tới việc nới lỏng một số hạn chế xã hội.

Ông Kluge cho hay WHO đã thừa nhận các chính sách giãn cách xã hội, được thiết kế nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2, “đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của người dân”.

“Mọi người có lý khi hỏi: Chúng ta sẽ phải chịu đựng tới mức nào? Và trong bao lâu? Để giải đáp, chúng ta, các chính phủ và giới chức y tế phải đưa ra những câu trả lời để xác định xem khi nào, trong tình hình nào và làm thế nào chúng ta có thể có một sự chuyển đổi an toàn" - ông Kluge nói.

Theo ông Kluge, bất cứ bước đi nào nhằm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trước tiên phải đảm bảo một số tiêu chí quan trọng, trong đó, cần phải chắc chắn tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia đó đang được kiểm soát, các rủi ro với dịch bệnh được giảm thiểu và hệ thống y tế cần có khả năng xác định, kiểm tra, theo dõi và cách ly, điều trị các ca nhiễm.

Iran sản xuất thiết bị phát hiện COVID-19 từ xa trong 5 giây

Thiếu tướng Hossein Salami, tư lệnh Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho hay Iran bắt đầu sản xuất các thiết bị có thể phát hiện COVID-19 từ xa trong 5 giây.

Ông Salami cho biết thêm rằng dùng thiết bị này thì không bắt buộc phải xét nghiệm bổ sung đối với bệnh nhân, theo hãng tin Sputnik.

Các thành viên Lưỡi liềm đỏ của Iran đo thân nhiệt người dân tại một đường cao tốc bên ngoài thủ đô Tehran. Ảnh: AFP

“Thiết bị này có thể phát hiện COVID-19 trong phạm vi 100 m. Hoạt động này được thực hiện trong 5 giây. Không cần tiếp xúc vật lý với bệnh nhân cũng không yêu cầu phải làm xét nghiệm máu” - ông Salami nói với đài truyền hình nhà nước Iran. Ông khẳng định thiết bị này không gây hại cho con người.

Người đứng đầu IRGC nhấn mạnh rằng thiết bị của Iran chính xác 80% và nó sẽ được phát triển thêm nữa để phát hiện mọi loại virus.

Các nhà nghiên cứu y học Iran cũng đã phát triển một công cụ đặc biệt có thể phát hiện COVID-19 trong 2 giờ đồng hồ.

Hôm 16-4, Iran ghi nhận thêm 92 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 4.869. Đây là ngày thứ ba liên tiếp quốc gia Trung Đông này có số người chết theo ngày dưới 100.

Iran hiện có 77.995 bệnh nhân COVID-19. Nước Cộng hòa Hồi giáo là quốc gia có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm