Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 23-3

Tính đến 19 giờ 30 tối 23-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 15.204 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 339.408 ca nhiễm.

Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca tử vong tăng người, số ca nhiễm tăng 5.231 người. Hiện đại dịch đã lan ra 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 96.249 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng tám người so với trưa cùng ngày.

Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thủ đô Milan, Ý ngày 12-3. Ảnh: REUTERS

Tướng Ai Cập tử vong vì COVID-19

Hãng AP ngày 23-3 dẫn nguồn từ quân đội Ai Cập cho hay Thiếu tướng Khaled Shaltout đã qua đời vì nhiễm COVID-19 khi tham gia công tác khử trùng do quân đội thực hiện trên cả nước.

Quân đội Ai Cập cũng cho hay đã khử trùng các cơ quan nhà nước và nhiều quảng trường ở thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. 

Trước đó, phát ngôn viên Tamer el-Refai của quân đội Ai Cập đã đăng lên mạng xã hội ảnh các binh sĩ mặc trang phục bảo hộ khử trùng tại quảng trường Tahrir và trạm xe điện ngầm.

Trong khi đó, bắt đầu từ hôm 21-3, các chức sắc tôn giáo đã quyết định đóng cửa tất cả đền thờ Hồi giáo, nhà thờ và cấm tụ tập cầu nguyện trong ít nhất hai tuần.

Các trường học cũng được yêu cầu đóng cửa, trong khi các cơ sở dịch vụ như quán cà phê, nhà hàng, hộp đêm, câu lạc bộ thể thao và trung tâm thương mại sẽ bắt đầu đóng cửa từ tối 23-3.

Ai Cập cũng đã dừng hoạt động hàng không cho đến cuối tháng 3, theo hãng tin Al Jazeera.

Tính đến tối 23-3, Ai Cập ghi nhận khoảng 327 ca nhiễm COVID-19 với 14 ca tử vong. Cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm giới hạn tiếp xúc xã hội tại quốc gia 100 triệu dân này.

Trung Quốc đề nghị cùng Mỹ hợp tác chống COVID-19

Trả lời phỏng vấn của trang tin Axios (Mỹ) ngày 23-3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Washington và Bắc Kinh đang "ngồi cùng trên một chiếc thuyền" và nên cùng chiến đấu chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết sự bùng phát COVID-19 là một thách thức y tế công cộng toàn cầu.

"Chúng ta thực sự đang ngồi cùng trên một chiếc thuyền. Vì vậy chúng ta phải phối hợp như những đối tác chống lại COVID-19 để khôi phục tình hình bình thường. Kinh tế cần phải khôi phục, lòng tin của người dân về kinh tế toàn cầu cần phải được khôi phục và tăng cường khả năng đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai" - ông Thôi nêu rõ.

Quan chức này cũng chia sẻ rất cảm kích người dân Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp với các nước khác để giải quyết thách thức toàn cầu này và chuẩn bị làm mọi thứ có thể để để giúp đỡ các nước khác.

Nghi vấn COVID-19 lây lan ở Ý trước cả Trung Quốc

Chuyên san y khoa The Lancet ngày 23-3 vừa đăng báo cáo về cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Ý, trong đó phát hiện các bác sĩ đa khoa ở Ý đã gặp các ca nhiễm bệnh này từ rất sớm vào khoảng tháng 11-2019.

Điều này đồng nghĩa với khả năng virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan ở Ý trước khi giới chức y tế nước này bắt đầu ý thức về một dịch bệnh do COVID-19 gây ra tại Trung Quốc.

Cụ thể, chuyên gia Giuseppe Remuzzi - đồng tác giả của báo cáo trên chia sẻ: "Họ nhớ là đã gặp nhiều ca viêm phổi lạ, rất nặng, đặc biệt ở người già từ tháng 12 và thậm chí tháng 11-2019. Điều này có nghĩa là virus đang lây lan, ít nhất ở vùng Lombardy và trước khi chúng ta biết đến dịch COVID-19 diễn ra tại Trung Quốc".

Giới chuyên gia hiện cho rằng ca nhiễm đầu tiên ở Lombardy có thể là kết quả của một người Ý tiếp xúc với một người Trung Quốc vào cuối tháng 1. Tuy nhiên, nếu có thể chứng minh COVID-19 xuất hiện ở Ý vào tháng 11, quan điểm này đó có thể hoàn toàn thay đổi.

Được biết tranh luận về nguồn gốc virus cũng đang là tâm điểm cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc, với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đề cập nCoV là "virus Trung Quốc" và Ngoại trưởng Mike Pompeo gọi đó là "virus Vũ Hán", khiến Trung Quốc rất tức giận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm